Đừng may áo một cỡ

Đừng may áo một cỡ
TP - Thời gian vừa qua, dư luận nhắc nhiều đến Đề án đào tạo tiến sĩ và Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Kiểm toán Nhà nước cũng đã có kết luận về hai đề án này. Điều quan trọng trong việc đưa ra chính sách đó chính là đừng “may áo một cỡ”.

Với Đề án đào tạo tiến sĩ, sở dĩ mục tiêu không đạt được có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân từ học bổng thấp. Tiến sĩ đào tạo trong nước học bổng chỉ 14.000.000 đồng/năm, học bổng đào tạo ở nước ngoài cũng không hấp dẫn. Những nghiên cứu sinh giỏi, họ sẽ tìm những nguồn học bổng ở nước ngoài hấp dẫn hơn nhiều. Mặt khác, có nhiều nghiên cứu sinh không chọn học bổng của Bộ GD&ĐT vì có quá nhiều ràng buộc. Những ràng buộc này khiến cho nghiên cứu sinh sợ xin đi học theo Đề án.

Giải pháp để thực hiện giai đoạn tiếp theo của Đề án làm thế nào cho hiệu quả hơn, thật sự không khó. Thứ nhất, nên nâng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ trong nước. Chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài chỉ nên dành cho các trường ĐH địa phương, những trường đội ngũ cán bộ giảng viên còn yếu. Vì sao lại như thế? Hiện nay, quy chế đào tạo tiến sĩ đã có quy định khá cao để kiểm soát chất lượng đầu ra. Trong đó, tiêu chí phải có bài báo đăng trên các tạp chí nổi tiếng của thế giới chính là một trong những bộ lọc khiến những cơ sở đào tạo tiến sĩ phải dè dặt. Quy định mới này đã bắt đầu có tác động đến đầu vào của các trường. Có trường chỉ tiêu đào tạo 400 tiến sĩ nhưng chỉ tuyển được hơn 100, có trường chỉ tuyển được 2 nghiên cứu sinh trong năm vừa qua. Như vậy, việc siết đầu ra là một giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước. Thứ hai, nâng mức chi cho nghiên cứu sinh. Nghiên cứu sinh cần được đảm bảo cuộc sống ở mức cơ bản để có thể an tâm làm nghiên cứu. Có như thế, chất lượng đào tạo mới đi lên.

Còn với đào tạo ngoại ngữ, Bộ GD&ĐT chỉ cần công bố tiêu chuẩn giáo viên, giảng viên. Việc học ở đâu, học thế nào, hình thức nào, giáo viên, giảng viên tự lựa chọn. Tôi cho rằng không nhất thiết phải đầu tư kinh phí vào nội dung này. Việc này nên để xã hội hóa. Thực tế, trình độ ngoại ngữ của giáo viên các vùng miền trong cả nước không đồng đều. Vậy, việc Bộ GD&ĐT cần làm là có một bộ tiêu chuẩn chuẩn chỉnh và tạo được động lực để giáo viên nâng cao trình độ của mình. Khi đã có động lực, mỗi giáo viên sẽ có cách để đạt được yêu cầu như Bộ quy định.  Vì vậy, không cần phải đầu tư tiền của nhà nước vào vấn đề bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho giáo viên. Vì thực tế vừa qua, kinh phí đầu tư cũng rất thấp, hơn nữa lại qua rất nhiều cấp quản lý nên hiệu quả không cao. Nên chăng, Bộ GD&ĐT tạo được động lực cho giáo viên và nếu đầu tư thì nên đầu tư trực tiếp cho giáo viên, giảng viên, không đầu tư qua các cấp quản lý. Tôi cũng nói lại, chính sách cho giáo dục cần linh động. Đừng may áo một cỡ, rất khó thực hiện và hiệu quả không cao. 

MỚI - NÓNG