Dụng nhân như dụng mộc

Dụng nhân như dụng mộc
TP - Hội nghị Trung ương 6 đang họp để bàn và quyết định nhiều nội dung “rất quan trọng, khó và nhạy cảm”, trong đó có vấn đề quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói:

> Hội nghị Trung ương 6: Mong đợi và chờ đợi

“Chúng ta đều biết, cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ”.

Đây là lần đầu tiên Đảng ta xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

NQ Trung ương 4 thẳng thắn chỉ rõ : “Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước”.

Bản tin thời sự VTV1 tối 8-10 dẫn một báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương cho biết, nhiệm kỳ tới có tới 16 tỉnh thành không còn cán bộ trong Thường trực Tỉnh ủy đủ tuổi quy hoạch, 28 tỉnh thành khác chỉ còn 1 người đủ tuổi và một nửa cấp ủy của 50 tỉnh thành dự kiến hết tuổi quy hoạch.

Bên cạnh tình trạng thiếu hụt đáng báo động đó, sự bất cập về công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, nạn chạy chức, chạy quyền cũng là vấn đề nổi cộm bấy lâu nay.

Trả lời phỏng vấn trên VTV1, GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ : “Đối với một lãnh đạo đòi hỏi ở hai chữ tâm và tầm, tức là có đức và tài để nghe được những lời nói phải, chọn được những kế hoạch hay để phát triển. Công tác quy hoạch cán bộ của ta thường chọn được người vào quy hoạch rồi, người đó gần như không có mắc mớ gì với ai, lại thêm quan hệ tốt nữa, là ta cứ thế đưa lên tuy ai cũng thấy còn non. Thế thì không được! Nhìn ra nhiều nước xung quanh, người ta thay đi đổi lại đến bốn, năm lần mới chọn được người lãnh đạo...”.

Còn nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trần Đình Hương nói: “Tôi không tán thành với quan điểm bấy lâu nay cứ ủy viên T.Ư là làm việc gì cũng được. Đó là quan điểm rất cũ. Một ủy viên T.Ư chỉ là ủy viên T.Ư, còn ủy viên T.Ư đó có làm được việc gì không, nếu có cũng chỉ làm được một việc, không thể giỏi mọi việc”.

Nghị Quyết T.Ư 4 nhận định, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái, biến chất, tham nhũng, lãng phí...

Đó chính là hệ lụy của công tác cán bộ còn nhiều yếu kém bấy lâu nay. Nếu cán bộ cứ vào được quy hoạch, chỉ có mỗi tài “quan hệ tốt”, bất kể năng lực ra sao vẫn được bổ nhiệm là cái họa cho đất nước. Đại nạn chạy chức, chạy quyền, thói xu nịnh, cũng từ đó mà ra.

Nhà báo lão thành Hữu Thọ, trong lần trả lời phỏng vấn gần đây trên Chuyên đề ANTG cho rằng: “Một số người không dùng người tài mà lại thích dùng kẻ xu nịnh. Người tài sợ nhất kẻ xu nịnh vì người tài không biết nịnh. Cái ngu dốt nhất của người tài là không hiểu biết về khoa học xu nịnh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về cách dùng người. Sinh thời, Người đã thu hút, tập hợp được rất nhiều nhân sĩ, trí thức lớn cả ở trong và ngoài nước để gánh vác việc nước. Bác nói “dụng nhân như dụng mộc”, tức ai có tài việc gì dùng đúng vào việc đó. Nếu vô tình hay hữu ý dùng người sai, chức quyền càng to thì hậu quả càng lớn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG