Đừng nói “giá như”!

Đừng nói “giá như”!
TP - Cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp xã hội. Có được điều đó bởi nhiều người kỳ vọng việc di chuyển trên cao tốc nhanh, an toàn - điều mà các quốc lộ với nhà cửa san sát, chĩa thẳng ra đường không có được.

Thứ hai, việc đi km nào tính tiền km đó của cao tốc sẽ không còn chỗ cho những tranh luận không hồi kết về BOT “móc túi”, phí chồng phí hiện nay. Thứ ba, có lẽ quan trọng hơn, việc xây dựng cao tốc này mấy lần chập  chờn “trình-bác”.

Lịch sử cao tốc thế giới trải qua hơn 100 năm với những khởi đầu tại Đức, Ý, Mỹ rồi lan rộng ra toàn thế giới. Thế giới chứng kiến lợi ích đáng kinh ngạc của việc di chuyển trên tuyến đường có hàng rào khép kín, lối ra vào được quản lý, không có giao cắt cùng mức. Tại Việt Nam, các con đường đầu tiên mang dáng dấp loại hình này được hình thành như Hà Nội- Bắc Ninh, Nội Bài - Bắc Ninh, Pháp Vân- Cầu Giẽ, Sài Gòn - Trung Lương hình thành đã tạo ra khoái cảm cho người đi đường. Từ đó, những tuyến cao tốc khác như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Liên Khương - Nha Trang nhanh chóng hình thành.

Tuy nhiên, một tuyến cao tốc suốt trục thiên lý Bắc - Nam, kết nối Hà Nội và TPHCM và qua hơn 20 đô thị (ước tính tuyến này đi qua các khu vực chiếm 70% GDP cả nước) giờ mới triển khai bị coi là quá muộn. Hiện nay, có không ít sự tiếc nối cho sự muộn màng này: Giá như làm cao tốc Bắc - Nam trước khi mở rộng QL 1A; giá như làm cao tốc trước đường Hồ Chí Minh; giá như khoan hãy làm các cao tốc nhánh, mà dồn tổng lực cho cao tốc kết nối hai miền Nam - Bắc... Điều đó đang thể hiện sự thiếu chuẩn bị hoặc lung lạc về tư duy chiến lược và hành động dài hơi. Vậy nên, lần này, “siêu” dự án này nếu được lên bàn nghị sự, nhiều cử tri mong những băn khoăn đó sẽ được tranh luận thẳng thắn, có kết quả để không còn những câu cảm thán “giá như”.

Nếu đạt được sự thống nhất, rành rẽ về chủ trương thực hiện, cao tốc Bắc - Nam vẫn còn đó nhiều câu hỏi lớn: Sức chịu đựng của ngân sách đến đâu? Cơ chế kêu gọi nhà đầu tư thế nào? Cách nào để giữ tính minh bạch, thị trường của dự án? Nếu chưa làm suốt tuyến, việc giải phóng mặt bằng, giữ đất của dự án triển khai ra sao? Rồi một vấn đề mang tầm chiến lược khác cũng cần có lời giải như: Việc dành đất cho dự án đường sắt cao tốc bên cạnh dự án đường bộ cao tốc này ra sao?

Sau làn sóng đầu tư giao thông vừa qua, nhà đầu tư/nhà thầu để máy móc đắp chiếu, kỹ sư công nhân hết việc, mỏ đất mỏ đá nằm yên nên họ hồ hởi chờ đón dự án lớn này. Nhiều nhà đầu tư cho hay, họ không thiếu nguồn lực và cách làm mà chỉ chờ một luật chơi sòng phẳng. “Giới cầu đường” lâu nay tự nhận khuyết điểm: Các nước phát triển chuẩn bị dự án lâu nhưng thi công nhanh, còn Việt Nam chuẩn bị rất nhanh nhưng thực thi rề rà. Vậy nên, nếu có chiến lược rõ ràng và luật chơi bài bản, dự án thế kỷ này sẽ hoàn toàn khả thi.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.