Đường cong !

Đường Trường Chinh bị uốn cong.
Đường Trường Chinh bị uốn cong.
TP - Nghi vấn uốn cong đường Trường Chinh đang dần đến hồi kết, quả bóng trách nhiệm sau một hồi ban đi, ban lại có lẽ sắp dừng. Một bên cho rằng, đường uốn cong do văn bản đề nghị của Bộ Quốc phòng, bên kia cự lại, đó là văn bản đề nghị chứ việc quyết định ra sao phải là của Hà Nội.

Bất luận tranh cãi thế nào thì con đường bị uốn cong là sự thật. Nhưng để tường minh trách nhiệm lại là việc uốn lượn chẳng kém gì con đường trên thực tế.

Từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết 1/2000 và dự án cụ thể là chặng đường dài. Việc điều chỉnh dự án so với quy hoạch ban đầu trong nhiều trường hợp là điều khó tránh. Tuy nhiên, việc thay đổi đó phải đặt trên nền tảng lợi ích của quốc gia, cộng đồng dựa trên các yếu tố: chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, kỹ thuật, xã hội, tâm linh… Soi chiếu với việc điều chỉnh đường Trường Chinh từ thẳng thành cong, người ta hầu như chưa thấy được những căn cứ thuyết phục.

Cơ sở quan trọng nhất mà Hà Nội lấy làm “lá bùa” khi điều chỉnh tuyến đường là văn bản 193/2000 của Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ), sau đó là văn bản 762 của Bộ Quốc phòng (thống nhất với văn bản 193).

Nội dung chính của văn bản này là, các công trình xây dựng trong khu vực sân bay Bạch Mai (thuộc Quân chủng PKKQ) cách mép đường phía bắc đường Trường Chinh 12-15m, các công trình phía nam cách mép đường 25-30m.

Để việc giải tỏa đỡ tốn kém, Quân chủng PKKQ đề nghị mở đường Trường Chinh đoạn từ Hố Mẻ đến cống Chéo như sau: Lấy từ mép đường phía bắc vào 7m; phía nam phát triển cho đủ mặt cắt đường là 53,5m. Thế nhưng, người ký văn bản 193, Thiếu tướng Mai Văn Cương vừa thừa nhận mình ký văn bản này là sai và rằng do bị sức ép! Sự mầu nhiệm của “ lá bùa” biến đường Trường Chinh từ thẳng thành cong dường như đã không còn giá trị khi bức màn sự thật dần được vén lên.

Bám lấy luận điểm “ đỡ tốn kém”, một cán bộ của chủ đầu tư cho rằng: “Con đường bị uốn cong để tiết kiệm 130 tỷ đồng”. Ngay sau đó, Trưởng Ban Quản lý dự án các công trình trọng điểm Nguyễn Sĩ Bảo đính chính: “Đây chỉ là ý kiến cá nhân, thiếu cơ sở”. Lợi ích kinh tế khi điều chỉnh con đường vẫn còn là khoảng mờ.

Uốn cong để tránh giải phóng mặt bằng nhiều hộ dân, giúp ổn định xã hội? Không như vậy, con đường bị uốn cong khiến người ta nghi ngờ về nhóm lợi ích và dấu hiệu của đặc quyền, đặc lợi. Những uẩn ức bị dồn nén đã bật ra thành phản ứng dây chuyền.

Đáng lo ngại nhất là niềm tin của người dân về tính nghiêm túc của những bản quy hoạch, về các dự án, công trình… bị sứt mẻ nghiêm trọng! Những bản quy hoạch đều có thể bị những lợi ích nhóm uốn cong, hoặc thậm chí bị thay đổi vì những căn cứ rất mơ hồ. Mất mát này khó lấy bạc tỷ để khỏa lấp. Đây là cái giá đắt của việc uốn đường thẳng thành cong!

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.