Đường “trừ dân”

TP - Cuối tuần, từ hành lang Quốc hội cho đến báo chí ồn ào xung quanh 6 ngôi biệt thự thuộc vị trí đất “kim cương” ở trung tâm thành phố Lào Cai. Dãy biệt thự bao chiếm cả một khu đất biệt lập rộng tới 2.700m2, mặt hướng ra đường ven sông, sau lưng cũng là mặt tiền đường lớn, mỗi biệt thự rộng từ 400m2 đến hơn 600m2.

Tổ trưởng dân phố sở tại thừa nhận đây là nơi ở của gia đình Bí thư Tỉnh ủy cùng các lãnh đạo hàng đầu của tỉnh.

Nhớ, có lẽ Đà Nẵng là nơi đầu tiên phát xuất câu nói lái vui vui về con đường Trần Dư, tức “trừ dân”, dù thực tế không có đường nào mang tên Trần Dư cả. Chuyện từ cuối những năm 80’ của thế kỷ trước, khi một dãy phố gần sân bay được cấp cho cán bộ quân đội mới từ các chiến trường về. Cũng chỉ là sĩ quan cấp bậc bình thường, nhà cửa xây cất cũng thường thường.

Bây giờ đường “trừ dân”, “đông quan” tỉnh thành nào cũng có, mức độ hoành tráng hơn nhiều. Là mới nói đến các “lãnh đạo tỉnh ta”, chưa kể không ít quan chức sở hữu những căn hộ trị giá hàng triệu đô-la trong các khu đô thị cao cấp tại các đô thị lớn.

Cũng thấy hơi lạ, đó là cái cách quan chức không ít nơi lại cứ thích ở “co cụm” với nhau trên một tuyến phố, nhất là những nơi thuộc địa thế đất vàng mới giải tỏa, mở mang. Mà không nghĩ cảnh “quan trên trông xuống, người ta trông vào”.

Như ở Lào Cai. Ngay cả xuất xứ đất đai cho dù có đúng trình tự, thủ tục, nghĩ cũng không nên làm vậy. Khi chỉ cần một biệt thự của quan chức đứng biệt lập, như các trường hợp báo chí từng phản ánh, trông vào đã quá ngất ngưởng, hoành tráng. Huống gì gom cả cụm san sát, chồng chất nguy nga như vậy. Một khi đời sống quan chức đã trở nên xa hoa, thì mức độ xa dân cũng theo cấp số nhân.

Dân đâu cần biết những bản kê khai tài sản của cán bộ, chỉ cần nhìn vào cả dãy “phố quan” nghênh ngang, cũng đủ hiểu sự thể là thế nào. Càng phản cảm, khi ngân khố nhiều nơi thâm hụt, đời sống của đồng bào gieo neo, khổ sở. Bộ Chính trị vừa ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Số lượng lên tới cả ngàn người. Mong rằng quy định này được thực thi nhanh chóng và triệt để.

Trong một diễn biến ngược lại, tại nhiều địa phương, làng xã thôn bản đang xuất hiện rất nhiều những con đường, cây cầu “của nhân dân”, được chính người dân hy sinh đất đai, đóng góp kinh phí để mở ra, nâng cấp cho mọi người đi chung. Dân không trông chờ, và cũng khó thể trông chờ vào kinh phí của nhà nước, mà tìm cách tự mình mở lối đi cho mình.

Chỉ có những con đường của dân, đến dân mới là con đường sáng. Như đã từng một thời “Mùa nhân dân giăng lúa chín rì rào/ Rẽ người mà đi, vịn tay mà đến/ Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao” (thơ Chế Lan Viên).

MỚI - NÓNG