Gần dân

Gần dân
TP - Báo  Tiền Phong số ra ngày 6/8/2009 có hai bài gợi nhiều suy nghĩ. Bài thứ nhất, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, đối thoại với hơn 130 ông chồng hay hoặc có chút vũ phu.

Chắc chắn, đây là lần đầu tiên, ở một địa phương trực thuộc trung ương, vị cán bộ cao nhất có cuộc đối thoại trực tiếp đặc biệt như thế. Đặc biệt vì những người được mời đối thoại, nhưng đặc biệt hơn khi mối quan tâm này thể hiện hiểu biết của cán bộ.

Nhiều bà vợ không được mời, cũng đi đến cuộc  đối thoại. Có bà còn kè chồng đi. Ai mà không đoán được niềm mong ước sâu xa cháy bỏng trong lòng các bà!

Có ai không lắng nghe những bộc bạch của các ông chồng vũ phu, đôi lúc vì cuộc sống khó khăn nên nổi khùng. Ông Nguyễn Bá Thanh giới thiệu ngay các chương trình hỗ trợ người nghèo đang triển khai của chính quyền địa phương, để họ tiếp cận.

Giữa người đối thoại và người được đối thoại, mộc mạc, chân tình, thiết thực, như bà con, anh em ruột thịt.

Ông Nguyễn Bá Thanh còn đọc bài thơ Đôi Dép nổi tiếng của Nguyễn Trung Kiên: "Hai chiếc dép kia như gặp tự bao giờ/Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước/Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược/Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau". Ấy, huống chi vợ chồng đã thề bồi yêu nhau đầu bạc răng long!

Huống chi mối quan hệ giữa cán bộ và nhân dân, sắt son qua lửa đạn chiến tranh, qua thác ghềnh đổi mới. Ấy là niềm day dứt ở bài thứ hai trên cùng số báo Tiền Phong, cuộc vật vã dời đất đai đầy đau khổ của một số người ở xã La Ngà (Định Quán, Đồng Nai) trong quá trình công nghiệp hóa.

Nhiều người ở đây, đang sống yên lành, khi mở ra khu công nghiệp Định Quán, cuộc sống rơi vào vòng khốn đốn, thậm chí vào chốn lao tù. Vì giá đền bù quá thấp, không thể tạo dựng nơi ở mới, có người không có cả quyết định thu hồi đất, không chịu ra đi, đã bị cưỡng chế.

Hẳn rằng, cán bộ chính quyền ở đó, không phải không hiểu giá trị đất đai, không phải không hiểu sự gắn bó vô cùng sâu sắc với đất đai, mồ mả tổ tiên, của dân.

Phải rời khỏi nơi sinh sống, làm ăn ổn định, lâu đời, đã là sự hy sinh lớn lao, không thể buộc dân chịu thêm thiệt hại về tài sản. Làm quan không vì dân thì còn ra gì?

Thói quen lãnh chúa phong kiến, mệnh lệnh, áp đặt, thuở nào còn rơi rớt chăng? Đất nước đã đổi mới, phát triển, cuộc sống đã đổi thay, công dân là người tham dự quá trình phát triển.

Một chính quyền, để lãnh đạo dân chúng, phải biết nghiêng mình xuống gần dân chúng. Những cán bộ chân chính phải luôn hướng về số phận con người, những khát khao hạnh phúc của con người.

MỚI - NÓNG