Gần gũi, chia sẻ và thấu hiểu

Gần gũi, chia sẻ và thấu hiểu
TP - 7h sáng ngày 31/7, trước khi khai mạc Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF), lần đầu tiên hơn 80 doanh nhân được ăn sáng thân mật, vui vẻ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Khách sạn Melia.

Trong bữa sáng ấy, các doanh nhân được chia sẻ, giãi bày nhiều tâm sự về quá trình kinh doanh với người đứng đầu Chính phủ.

Sau bữa sáng là diễn đàn đối thoại cởi mở giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp (DN) tư nhân. Những kiến nghị DN đưa ra được Thủ tướng lắng nghe, yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành chuyên môn trực tiếp trả lời. Nhiều kiến nghị được Thủ tướng giải đáp thẳng thắn tại hội trường.

Là người đại diện cho khối DN tư nhân, chúng tôi mong Chính phủ có giải pháp xoá bỏ rào cản để kinh doanh thuận lợi hơn. Chúng tôi chỉ mong được công bằng với các thành phần kinh tế khác. Những kiến nghị chúng tôi đã nêu trước kia và trong diễn đàn này bởi chúng tôi chưa nhận được công bằng, bình đẳng so với khối DN nhà nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sau khi Diễn đàn kinh tế tư nhân 2017 kết thúc, Ban thư ký VPSF tiếp tục ngồi với các DN để lắng nghe về những rào cản trong quá trình kinh doanh. Sau đó, chúng tôi gặp gỡ đại diện các bộ ngành để đề xuất, kiến nghị tháo gỡ vướng mắc. Chúng tôi rất kỳ vọng vào mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 mà Chính phủ đưa ra. Và để mục tiêu này thành công, Chính phủ cần đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và phát triển DN tư nhân.

Hơn thế nữa, không chỉ là tiếng nói của DN tư nhân, VPSF còn có vai trò làm cầu nối, để tạo niềm tin giữa DN và Chính phủ. Trong quá trình tiếp xúc DN, nhiều người lo lắng quá trình cải cách môi trường kinh doanh “trên nóng dưới lạnh”, cải cách chưa về được địa phương. Việc hầu hết lãnh đạo bộ ngành và nhiều bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh có mặt tại diễn đàn đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển.

Sau khi chứng kiến Thủ tướng lắng nghe kiến nghị và trực tiếp chỉ đạo bộ ngành giải quyết vướng mắc của DN tại diễn đàn, niềm tin của DN với Chính phủ tăng lên. Điều đó thể hiện qua kết quả bình chọn trực tiếp tại hội trường, đa phần các chỉ số niềm tin đều tăng so với những khảo sát trước đó.

Trong suốt diễn đàn, người đứng đầu Chính phủ và bộ ngành thể hiện sự tin tưởng với DN tư nhân; coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển. Ở đây có sự tương tác qua lại, tăng thêm niềm tin lẫn nhau giữa Chính phủ, bộ ngành và DN.

Có thể lấy một ví dụ để khẳng định sự chuyển động của lãnh đạo địa phương trong việc tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển là việc Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tham dự Đại hội DN trẻ Hà Nội. Trong hội nghị, ông Chung kể về kinh nghiệm học được sau chuyến thăm Mỹ vừa qua.

Theo ông Chung, những người đồng cấp như Thống đốc bang của Mỹ đã chia sẻ: “Mấu chốt trong phát triển kinh tế của thành phố là mối quan hệ giữa chính quyền (cụ thể là người đứng đầu thành phố) với DN”. Ông Chung cho rằng, mỗi lãnh đạo địa phương phải có những quyết định gần gũi, chia sẻ và thấu hiểu DN hơn nữa để chính quyền và DN hỗ trợ nhau phát triển.

Trần Anh Vương
Phó Chủ tịch hội Doanh nhân trẻ VN

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.