Gánh nặng tuổi hưu

Gánh nặng tuổi hưu
TP - Dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, hoàn thiện hệ thống BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện các giải pháp hỗ trợ của nhà nước mở rộng đối tượng tham gia của cơ quan chuyên quản túi tiền quốc gia là Bộ Tài chính đang khiến dư luận chú ý.

Hai vấn đề nóng bỏng được đề cập trong dự thảo của Bộ Tài chính: Đề nghị xem xét tăng tuổi hưu và tăng mức đóng bảo hiểm y tế với lý do Quỹ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) có khả năng mất cân đối thu – chi trong khi Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) từ năm 2017 bắt đầu bội chi.

Những con số cụ thể minh họa khá rõ cho việc mối lo vỡ Quỹ Bảo hiểm Xã hội đã ở mức cần được báo động cũng được Bộ Tài chính đưa ra. Biện giải cho dự thảo, Bộ Tài chính lập luận: Tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam hiện thấp so với thế giới (bình quân người Việt nghỉ hưu lúc 54 tuổi, trong khi tuổi hưu của Nhật Bản 70 tuổi, Anh và Đức 67 tuổi...). Bộ này cũng tính toán và đưa ra các con số cho thấy quỹ sẽ không đủ tiền để chi nếu tuổi lao động và các biện pháp phát triển nguồn thu khác không được thực hiện đồng bộ.

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nguồn thu chi ngân sách, việc “lo xa” của Bộ Tài chính cũng có thể được ghi nhận. Nhưng nếu nhìn vào các số liệu thống kê về tuổi nghỉ hưu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) hồi năm 2015 có thể thấy, đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu với người lao động ở Việt Nam dường như chưa phải biện pháp hữu hiệu và cũng quá lo xa khi nói tuổi thọ người Việt ngày càng tăng, thời gian hưởng lương hưu kéo dài. Theo số liệu của OECD, tuổi nghỉ hưu của người dân các nước phát triển phổ biến ở mức 59,8 đến 63,1 tuổi. Tuổi thọ của người dân các nước phát triển cũng ở mức khá cao, trung bình 85,4 tuổi.

Ở góc độ khác, với con số hơn 130 tỷ đồng mà ngân sách phải bố trí trong giai đoạn 2015-2017 để chi trả lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 hoàn toàn không lớn. Bản thân các con số tính toán của Bộ Tài chính cũng cho thấy, trong 20 năm tới, Quỹ BHXH vẫn bảo đảm khả năng cân đối dù có một số nguy cơ mất cân đối quỹ có thể xảy ra. Còn nhìn vào con số tuyệt đối 518.000 tỷ đồng tính đến hết năm 2016 của các Quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, dường như vẫn còn một khoảng đệm khá lớn, thực tế chưa hẳn đã đến mức cấp bách.

Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của người lao động đã nhận được nhiều luồng ý kiến “va đập” khác nhau trong thời gian qua. Với lý do để cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, theo các chuyên gia về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mỗi quốc gia có các biện pháp riêng như: có thể tăng tỷ lệ đóng góp bảo hiểm xã hội hoặc thuế, giảm lợi ích hưởng, và tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, không nước nào thích tăng tuổi nghỉ hưu.

Với người lao động sản xuất trực tiếp ở nhiều ngành nghề tại Việt Nam, việc được kéo dài thời gian lao động không hẳn là tin mừng khi sức ép về năng suất lao động, sự bền bỉ trong công việc bị tuổi già đe dọa. Với người làm việc tại các cơ quan nhà nước, đặc biệt những người có chức vụ, việc được kéo dài thời gian làm việc đồng nghĩa làm mất cơ hội của những người có năng lực.

Việc sử dụng tiền nhàn rỗi từ các Quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp để đầu tư đem lại lợi nhuận cũng là giải pháp giảm sức ép buộc người lao động phải kéo dài thời gian lao động. Triển khai cải tổ,  tinh gọn bộ máy bảo hiểm xã hội trên toàn quốc, áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả, chặn được tình trạng cán bộ bảo hiểm xã hội thông đồng trục lợi bảo hiểm...cũng là giải pháp cần được xem xét đưa vào đề xuất thay vì “nước đến chân mới nhảy” chỉ có giải pháp kéo dài tuổi lao động.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.