Gập ghềnh dòng sông tri thức

Gập ghềnh dòng sông tri thức
TP - Dân gian vẫn ví von những người làm nghề giáo như người lái đò bền bỉ, thầm lặng đưa khách qua sông đến với bến bờ tri thức. Gần đây, trong diễn văn phát biểu nhân lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng danh hiệu cho các nhà giáo được phong Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gọi họ là những “anh hùng vô danh” rồi khẳng định: “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục! Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa!”.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay, các thầy cô giáo quả là “anh hùng vô danh”, bởi họ đang phải thầm lặng chèo đò trên những dòng sông tri thức đầy gập ghềnh! Gập ghềnh, ở đây không chỉ có nghĩa bóng. Ở nhiều nơi vùng sâu vùng xa, những con đường mà nhiều giáo viên mang tri thức đến cho học sinh vẫn còn thật sự gập ghềnh, gian nan vất vả.

Mới đây thôi, khi chúng tôi đến một trường tiểu học sát biên giới Việt - Lào của huyện vùng cao Kỳ Sơn ở Nghệ An, đang ngậm ngùi cho những cô giáo phải sống xa con nhỏ vì quê nhà cách nơi dạy học 230km thì anh Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Được như ở đây còn sướng, bởi còn có rất nhiều những điểm trường mà từ thị trấn đi được đến đó mất cả ngày trời và có những quãng đường dài chỉ có thể cuốc bộ. Nhưng đi bộ được vẫn còn là hạnh phúc. Có nơi, như điểm trường Cha Nga - xã Mỹ Lý, được gọi là chốn “bốn không”: không đường bộ, không điện lưới, không chợ và không sóng điện thoại. Từ trung tâm xã vào điểm trường người dân phải đi thuyền. Người dân đo quãng đường đi không bằng ki lô mét mà bằng tiền cước đi thuyền: mỗi lượt 2 triệu đồng. Nhưng vẫn còn may mắn cho giáo dục, bởi riêng các cô giáo khi vào Cha Nga thì những người chèo đò trên sông Nậm Nơn không thu cước. Thật là một sự hoán vị đầy ý nghĩa!

Gập ghềnh, còn bởi các thầy cô phải chèo chống với những phức tạp trong trường đời, với những mâu thuẫn giữa trang sách và cuộc sống. Cũng vừa mới cách đây vài hôm, thầy Lê Quốc Châu, một giáo viên ở Hà Tĩnh thổ lộ trên Facebook rằng thầy đã phải hủy kết bạn với học sinh, không phải vì ghét mà bởi rất… yêu! Vì facebook là kênh giao tiếp của thầy với xã hội, không phải là những điều thầy muốn dạy các em.

Không chỉ thầy giáo Châu mà rất nhiều nhà giáo tâm huyết đều tâm niệm một trong những nỗ lực mà họ thường xuyên phải đảm nhận là cố gắng ngăn chặn sự lan tỏa những tiêu cực trong xã hội tới thế giới nhà trường. Họ mong muốn khi bước chân vào cổng trường là các em học sinh được bước chân vào một thế giới tươi sáng, trong trẻo, hồn nhiên, tươi vui và tràn ngập tình yêu thương.

MỚI - NÓNG