Ghế & xăng

Ghế & xăng
TP - Chuyện tranh cãi về giá xăng dầu mấy ngày nay giữa lãnh đạo Bộ Công Thương và doanh nghiệp độc quyền Petrolimex với lãnh đạo Bộ Tài chính, giống như viên đạn đã bắn ra khỏi nòng, không thể rút lại.

> Petrolimex lẩn tránh sự thật
> Theo giá nhập, Petrolimex lãi 780 đồng/lít xăng

Sự thật, chuyện đúng sai, sẽ được trả lời, khi ba tổ kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu (do Bộ Tài chính lập) đưa ra kết luận. Người tiêu dùng Việt Nam chờ mong kết quả kiểm tra này sớm được công bố, đúng như lời của lãnh đạo Cục quản lý giá, Bộ Tài chính, nói trên báo chí.

Nhìn lại chuyện tranh cãi giá xăng và cách điều hành thị trường xăng dầu, người tiêu dùng thấy hai thái cực khá rõ ràng ở những người đều được gọi là công bộc của dân thể hiện: Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thì tỏ ý lo toan đến sự an nguy của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, bởi họ thường xuyên bị lỗ, kéo theo sự an nguy đến an ninh năng lượng quốc gia.

Còn Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, thì khẳng định như đinh đóng cột, với tư cách Bộ trưởng, quán xuyến hầu bao của cả quốc gia, ông phải bảo vệ quyền lợi của đất nước và hơn 80 triệu người tiêu dùng. Với lý lẽ ấy, ông Huệ sẵn sàng lấy ghế bộ trưởng mà Quốc hội, Chính phủ vừa tin tưởng giao cho để bảo vệ quan điểm giảm giá xăng vừa qua là đúng.

Còn nhớ, năm 2009, cũng tại một hội thảo về thị trường xăng dầu, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, đã thế chấp ghế thứ trưởng, chỉ để khẳng định thời điểm đó các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lỗ. Nếu ai chứng minh được doanh nghiệp có lãi, ông sẵn sàng thôi chức.

Cùng là công bộc của dân, cùng nhận lương từ tiền thuế đóng góp của dân, cùng mang ghế ra thế chấp để bảo vệ quan điểm của mình liên quan đến điều hành giá xăng dầu, nhưng một người bảo vệ 11 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, còn người kia bảo vệ số đông (người tiêu dùng và quyền lợi đất nước).

Dưới bất cứ góc nhìn nào, tuyên bố của ông Huệ, cả về chính trị, đạo lý, lương tâm và trách nhiệm, đều đúng. Bởi ông Huệ đã nói tiếng nói của những người đang nộp thuế để trả lương cho bộ máy nhà nước, cũng là những người đã uỷ nhiệm cho ông ngồi vào ghế bộ trưởng.

Tuy mới chỉ là những tuyên bố bằng lời nói, nhưng người dân đã lấy làm vui, bằng chứng là mỗi ngày Tiền Phong nhận được hàng trăm ý kiến chia sẻ, ủng hộ ông Huệ. Mong sao, ngày càng có nhiều công bộc của dân, nói tiếng nói của dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG