Giấc mơ khu vực

Giấc mơ khu vực
TP - Ngày 25/8, Bộ GD&ĐT cho hay, tính trung bình, không có nổi một giáo sư cho mỗi trường đại học, cao đẳng (cả nước có 376 trường đại học, cao đẳng nhưng chỉ có 320 giáo sư).  Lực lượng kế cận là các phó giáo sư hiện cũng chưa đến 2.000 người.

Giảng viên có trình độ tiến sĩ chỉ chiếm 13,86 phần trăm trong tổng số 61.190 giảng viên. Thực trạng này dẫn đến một số trường thiếu cán bộ đầu đàn, không đủ giảng viên có trình độ cao ở từng lĩnh vực chuyên môn chính, vì thế không đủ cả năng lực biên soạn giáo trình.

Giáo dục đào tạo có mục tiêu là góp phần hình thành những con người trung thực, độc lập suy nghĩ, tự chủ, hợp tác, có kiến thức cơ bản vững vàng để ứng phó với những thay đổi, để tiếp tục học suốt đời. Nhưng nếu không có đội ngũ thầy giỏi, tận tụy với nghề thì chất lượng đào tạo khó mà cải thiện.

Giảng viên các trường đại học công lập có tiếng cũng phải cố chạy sô, dạy phi chính quy, tại chức để cải thiện thu nhập. Lấy đâu thời gian để nghiên cứu, đào sâu, phát hiện kiến thức chuyên môn mới để truyền thụ?

Chất lượng đào tạo còn phụ thuộc vào cơ sở vật chất, giảng đường, thư viện, máy tính, phòng thí nghiệm... Nhưng hiện tại chúng ta vẫn còn nghèo nên nguồn lực người thầy với kiến thức và kinh nghiệm càng thêm quan trọng.

Vài năm lại đây, việc thành lập mới đại học và nâng cấp ồ ạt từ trung cấp lên cao đẳng hoặc cao đẳng lên đại học khiến đội ngũ giảng viên ngày càng thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

Nhiều trường ngoài công lập được thành lập trong tình trạng vay mượn hoàn toàn đội ngũ giảng viên. Vậy mà đội ngũ giảng viên vừa yếu vừa thiếu ấy vẫn đang phải gánh cả số lượng gần 90 vạn sinh viên đại học, cao đẳng hệ đào tạo không chính quy, chủ yếu là chỉ tiêu đào tạo theo hình thức liên kết.

Càng thiếu giảng viên, các lớp đào tạo hình thức liên kết càng dạy và học theo kiểu không phải là cưỡi ngựa nữa mà là phóng ngựa xem hoa.

Có môn 60 tiết chỉ cần dạy xong rồi thi luôn trong năm ngày. Chỉ học một môn, với cường độ 8-10 tiết/ngày, khả năng truyền đạt của người thầy còn chưa chắc đạt yêu cầu, làm sao dám nói đến khả năng tiếp thu kiến thức  của người học?

Vậy là, giảng viên thì chưa an tâm giảng dạy, chất lượng đầu vào yếu dẫn đến chất lượng đầu ra cũng yếu. Mà nguồn giảng viên mới lại được chọn lựa từ chính đầu ra này, kéo theo chất lượng lớp giảng viên kế tiếp chẳng cải thiện bao nhiêu...

Một vòng luẩn quẩn về chất lượng! Làm gì để có giảng viên giỏi - sinh viên giỏi - chất lượng đầu ra cao - dư nguồn để chọn giảng viên giỏi? Công việc không hề dễ khi mà nguồn lực tài chính cho đội ngũ người thầy còn hạn chế, và còn tâm lý quá chú trọng bằng cấp, hư danh.

Nhưng “không thầy đố mày làm nên”. Câu hỏi “Bao giờ chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng ở ta mới nâng được lên ngang bằng khu vực” vẫn là giấc mơ. 

MỚI - NÓNG