Giám sát xả lũ, tại sao không?

Giám sát xả lũ, tại sao không?
TP - Trong báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án xây dựng thủy điện, nhất là các thủy điện lớn, chủ đầu tư đều khẳng định: dự án (hồ chứa) sẽ góp phần giảm lũ và điều tiết nước phục vụ sản xuất vùng hạ du. Có nghĩa, hồ thủy điện còn kiêm luôn vai trò của hồ thủy lợi và công trình thủy điện không chỉ phát điện mà còn điều tiết nước phục vụ sản xuất.

 >> Nhiều thủy điện chưa có quy trình vận hành hồ chứa
 >> Lòng hồ tích nước, lòng dân chưa yên

Nhưng thực tế xem ra không phải vậy, nhất là gần đây một loạt thành phố, làng quê, ruộng đồng khu vực miền Trung - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp từ các hồ thủy điện - đã và đang bị nhấn chìm trong lũ, kể cả lũ tự nhiên lẫn lũ xả từ các hồ thủy điện.

Rõ ràng, vai trò thủy lợi của các hồ thủy điện chưa phát huy tác dụng như mong muốn, nếu không muốn nói đang có tác dụng ngược.

Có hai khả năng khiến hồ thủy điện không phát huy tác dụng. Thứ nhất, khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án thủy điện, chủ đầu tư thường chỉ quan tâm đến tính khả thi về sản xuất kinh doanh (điện) của dự án mà không thật sự chú trọng đến các tác động, hiệu ứng khác của hồ chứa nước đối với các hoạt động kinh tế xã hội của cộng đồng.

Trong báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án thủy điện, phần nghiên cứu đánh giá về vai trò thủy lợi của hồ chứa rất chung chung, mờ nhạt; thậm chí chỉ đưa vào cho có, như là... “một phần tất yếu của dự án”.

Trong khi đó, và cũng là khả năng thứ hai, công tác giám sát khả năng ngăn lũ, điều tiết nước của các dự án thủy điện kể cả từ khi dự án còn trên giấy lẫn khi đưa vào hoạt động, hầu như không được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức.

Từ đó dẫn đến thiếu sự phối hợp, nhất là phối hợp giữa đơn vị quản lý dự án với địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp để điều tiết nguồn nước một cách hiệu quả. Hiện tại, việc đóng hay mở đập ngăn nước hồ thủy điện dường như phụ thuộc toàn bộ vào đơn vị, ngành trực tiếp quản lý nhà máy-hồ thủy điện.

Và dĩ nhiên, những quyết định đóng hay mở cửa xả nước thường và trước nhất là vì lợi ích cục bộ của đơn vị (hay ngành) quản lý nhà máy-hồ thủy điện. Vô hình trung, ngành điện hay đơn vị cung cấp điện lại thêm độc quyền về điều tiết nguồn nước.

Xung đột lợi ích xảy ra là điều khó tránh khỏi và thiệt hại phần lớn thuộc về phía người dân. Có năm, khi khu vực hạ du khô hạn cần nước tưới tiêu, các nhà máy điện không chịu chia sẻ. Năm nay, lũ tràn về, với lý do giữ an toàn cho đập nhiều hồ thủy điện đột nhiên xả cửa. Lũ chồng lên lũ, người dân điêu đứng và đơn vị quản lý, xả lũ thì vô can (?).

Hồ thủy điện là công trình đa mục tiêu, nên giám sát việc điều tiết nguồn nước hồ với sự tham gia của nhiều ngành và các địa phương liên quan là vô cùng cần thiết. Chỉ khi có sự phối hợp, điều tiết tốt nguồn nước hồ thủy điện mới phát huy hiệu quả kinh tế xã hội, đồng thời giảm tối đa thiệt hại cho đối tượng được tiếng là hưởng lợi.

MỚI - NÓNG