Giật mình chuyển giá

Giật mình chuyển giá
TP - Một trong những vấn đề gây nhức nhối, tạo ra nhiều hậu quả xấu cho những quốc gia có nhiều công ty chi nhánh của các tập đoàn đa quốc gia là tình trạng chuyển giá trốn thuế.

Ở Việt Nam, gần 30 năm qua đã thu hút được hơn 170 tỷ USD với hơn 24.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động.

FDI đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, nhưng bên cạnh đó cũng không ít những mảng xám, như hủy hoại môi trường, chuyển giá trốn thuế.

Hành vi chuyển giá của các DN FDI chủ yếu và phổ biến nhất là để trốn, tránh phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, với “bài ca” quen thuộc là làm giảm đến mức thấp nhất có thể lợi nhuận chịu thuế và thượng sách là lỗ một cách hợp lý, hợp pháp.

Thực tế cho thấy, 50% DN FDI đang hoạt động ở Việt Nam báo lỗ. Lỗ có nghĩa là thuế thu nhập doanh nghiệp họ phải nộp cho Chính phủ Việt Nam là con số 0. Lỗ nhưng họ không hề có ý dừng hoạt động kinh doanh, ngược lại, còn tiếp tục xin tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh!

Có thể làm một phép tính đơn giản ở tầm vĩ mô về số thuế thu nhập doanh nghiệp mà các DN FDI đã không nộp cho Chính phủ Việt Nam hàng năm do hoạt động kinh doanh được khai báo là lỗ (mà thực chất là do chuyển giá) với giả định tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư khiêm tốn là 10%/năm. Với tỷ giá 23.000VND/USD, 1,72 tỷ USD tương đương với 40.000 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, để tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút FDI cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hàng năm, Việt Nam đã chi ra những khoản tiền khổng lồ nhằm sản xuất cung cấp các hàng hóa công cộng, như quốc phòng để giữ vững nền hòa bình, ổn định chính trị; an ninh để đảm bảo sự an toàn; bảo vệ môi trường để có môi trường trong sạch; đối ngoại để tạo ra sự thuận lợi trong giao lưu kinh tế; xây dựng pháp luật, quản lý xã hội để tạo ra khuôn khổ pháp lý rõ ràng, thực hiện các thủ tục trôi chảy.

Các nhà đầu tư FDI đều đã được hưởng trọn vẹn các hàng hóa công cộng đó, và nhờ những sự thụ hưởng ấy (nhưng chưa hề trả phí) đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra các khoản lợi nhuận khổng lồ chảy đều đặn vào túi họ. Ðáng lẽ với quy luật thông thường của kinh tế thị trường “ai hưởng lợi phải trả tiền”, giờ đây thu được lợi nhuận họ phải trích một phần nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Chính phủ nước sở tại là hoàn toàn công bằng, thì ngược lại, họ đã tìm mọi cách trốn tránh thông qua chuyển giá để nhằm “ăn không” những khoản chi phí khổng lồ đó.

 (TS. Phan Duy Minh, nguyên PGĐ Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán)

MỚI - NÓNG