Giật mình cúm lợn

Giật mình cúm lợn
TP - Bộ Y tế Việt Nam phản ứng gần như tức thì trước tin các ca mắc và tử vong do cúm lợn đang gia tăng và lan qua các quốc gia từng ngày cho dù Tổ chức Y tế Thế giới chưa dám công bố đây là đại dịch.

1. Công điện khẩn hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa cơ bản được gửi ngay về các địa phương. Hàng rào kiểm dịch được dựng lên ngay tại các cửa khẩu chính có nguy cơ đón khách đến từ các vùng đã và đang bị cúm lợn tấn công.

Sự ra tay kịp thời như thế cũng là dịp thử phản ứng của hệ thống cơ quan chức năng mà cụ thể là ngành y tế trước nguy cơ khủng hoảng. Cộng với kinh nghiệm tích luỹ từ hai lần đối phó với nguy cơ đại dịch là SARS và cúm gà H5N1, phản ứng nhanh cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, để chủ động, cũng cần nghĩ đến tình huống xấu nhất.

Dù cố tỏ ra hết sức kiềm chế, thông cáo báo chí mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua thừa nhận nhiều điều đáng lo ngại.

Trong lúc chưa có vaccine phòng chống cúm lợn, theo WHO, vẫn có thể dùng Relenza và Tamiflu, hai loại thuốc được khuyến cáo dùng để phòng đại dịch cúm gà.

Vấn đề là Bộ Y tế cần trả lời gấp lượng Tamiflu dự trữ phòng dịch cúm gà đến nay còn bao nhiêu, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cần trả lời sớm tiến độ thực hiện đề án cấp nhà nước kinh phí vài tỷ đồng nghiên cứu sản xuất Tamiflu từ dầu hồi Lạng Sơn đến đâu, và khả năng sản xuất Tamiflu của các cơ sở dược nước ta từ kết quả nghiên cứu kia là thế nào (đương nhiên, trong bối cảnh chống dịch, phải tạm thời gác sang một bên vấn đề bản quyền thuốc).

Còn nhớ, khi Việt Nam đang ở bên miệng dịch cúm gà H5N1, các công việc trên chạy băng băng, từ mua dự trữ Tamiflu đến nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm. Nhưng sau đó mọi việc lại tiến triển rất chậm. Lượng bán thành phẩm để cho ra Tamiflu chỉ ở mức kilogram. Trong khi đó, nhiều người trồng hồi Lạng Sơn vẫn đầu tắt mặt tối lo bán những tạ hồi, tấn hồi cho nước láng giềng với giá rẻ mạt; rừng hồi với chất lượng tốt nhất thế giới tiếp tục bị thu hẹp dần.

2. Then chốt bây giờ là làm cái việc tưởng như đơn giản nhất nhưng lại vô cùng khó ở nước ta, kể cả ở thành thị. Đấy là vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Virus cúm lợn gây chết người có thể không cần qua đường hàng không mà ta đang giăng giăng hàng rào kiểm dịch. Thay vào đó, theo WHO, chúng có thể truyền qua chim di cư, qua lợn, rồi lây sang người. Hơn nữa, theo Cục Thú y, rất khó phân biệt được triệu chứng lợn mắc virus cúm H1N1 nên nguy cơ lây nhiễm qua người là khó tránh khỏi.

Để làm việc này, lẽ đương nhiên phải dựa vào mạng lưới y tế cơ sở. Mạng lưới này vốn được đánh giá là dày đặc nhất so với các nước đang phát triển nhưng lại có điểm yếu cố hữu. Đấy là vấn đề chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, nhất là chuyên môn phòng chống dịch. Cộng với việc thay đổi xoành xoạch tổ chức y tế cơ sở từ tuyến huyện trở xuống thời gian gần đây khiến cho việc điều hành chuyên môn mạng lưới này càng trở nên khó hơn bao giờ hết.

3. Vậy là, một lần nữa, lại giật mình cho cái tư duy ngắn hạn ở ta. Và nếu cứ thế,  kiểu giật mình cúm lợn rất dễ sẽ luôn là giật đùng đùng.

Chi Giao

MỚI - NÓNG