Gốc của dạy thêm

TP - Lệnh cấm dạy thêm trong nhà trường tại TPHCM, giáo viên vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật mức cao nhất là đuổi việc, đang gây nhiều ý kiến trái chiều, nhất là trong đội ngũ giáo giới tại thành phố này.

Thậm chí, tuần trước có vị hiệu trưởng tiểu học đã khóc mà rằng: “Bản thân tôi không dạy thêm nhưng với tâm tư của những người thầy không sống được bằng nghề, có nhiều thứ đâu tiện nói ra. Tôi rất buồn”.

Với khoảng hơn 300 ngàn học sinh tại TPHCM đang học thêm, trong đó chủ yếu là học thêm trong nhà trường (theo thống kê của Sở Giáo dục), quả thực lệnh cấm nói trên sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập của các giáo viên. 

Một thực tế khó chối bỏ, như tiết lộ của một vị hiệu trưởng THPT tại TPHCM, lương giáo viên mới ra trường cộng trừ tất cả các khoản chưa đến 3 triệu, dạy thêm tại trường tối đa thêm 3 triệu, tổng cộng chưa đầy 6 triệu đồng/tháng. Như vậy, bỗng dưng thu nhập giảm đi một nửa, dễ hiểu vì sao họ tâm tư, vì sao hiệu trưởng lại bật khóc trước lệnh cấm dạy thêm.

Thực ra đâu chỉ có TPHCM mới cấm, còn nhớ Hà Nội đã có lệnh cấm tương tự cách đây vài năm. Còn trên phạm vi cả nước đã có Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT quy định về việc này từ năm 2012. Hồi đó, còn nhớ rộ lên chuyện nhiều địa phương tổ chức đi bắt dạy thêm, học thêm trái phép như bắt buôn lậu. Đã có những nỗi niềm như bị “xúc phạm” khi thầy cô phải ký vào biên bản vi phạm ngay trước mặt học sinh. 

Thế rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy, ở thủ đô thay vì dạy thêm trong trường, cái gọi là “trung tâm văn hóa” bỗng chốc mọc lên như nấm sau mưa. Nhà dân quanh trường bỗng dưng đắt hàng cho thuê. Chỉ khổ cô trò phải chui rúc nơi nhà dân để học, chỗ ở thành chỗ học trong khi chỗ học thì lại bỏ không! 

Hóa ra quy luật của nền kinh tế thị trường đúng với cả lĩnh vực giáo dục: Có cầu ắt có cung, có muốn cấm cũng chả được. Chỉ khổ cho các bậc phụ huynh, tiền học bỗng tăng thêm mấy chục phần trăm vì phải gánh thêm chi phí thuê phòng, chi phí quản lý trung gian của cái gọi là “trung tâm văn hóa” kia.

 Chưa kể không ít phụ huynh lo nơm nớp mỗi khi phải đưa con vào những căn nhà hình ống chật chội, ánh sáng lờ mờ, bàn ghế tạm bợ, nằm tít trong ngõ sâu để học thêm, nói dại ngộ nhỡ có hỏa hoạn, thầy trò cũng chả biết chạy đường nào…

Một câu hỏi đặt ra, vì sao nên nỗi? Vì sao ta cứ phải dạy thêm, học thêm? Tây có dạy thêm học thêm không? Thực ra bất cứ điều gì xuất phát từ nhu cầu chính đáng đều cần được tôn trọng, và trách nhiệm của nhà nước là phải tạo ra những thiết chế để phục vụ cho nhu cầu đó của công dân, của xã hội. Tây cũng có học thêm để thi được vào các ngôi trường danh giá, và giá cả cũng không hề rẻ.

Chỉ có điều, dạy thêm học thêm ở tây không trở nên phổ biến và rầm rộ như ở ta. Và thu nhập của đa số giáo viên của họ không có khoản dạy thêm chiếm tỷ trọng tới hơn 50% như ở ta. Giáo viên của ta không dạy thêm là không đủ sống, đó mới là điều đáng phải suy nghĩ. Và cái gốc của dạy thêm, học thêm cũng từ đó mà ra.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.