Hài hòa lợi ích

Hài hòa lợi ích
TP - Hiếm có dự thảo luật nào phải kéo dài qua ba kỳ họp Quốc hội mới xem xét thông qua. Nói điều này để thấy vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai sửa đổi.

> Quốc hội thảo luận Luật Đất đai: Băn khoăn cụm từ 'Thu hồi đất'
> 'Thị trường bất động sản còn rất khó khăn'

Ngay đến Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng không nhớ nổi là đã có dự thảo lần thứ bao nhiêu được chỉnh sửa, tiếp thu. Sự thận trọng cũng bởi Luật Đất đai tác động đến mọi mặt đời sống, có thể thúc đẩy hoặc ngược lại kéo lùi sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Điều mà các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước quan tâm nhất là sự công bằng, hợp lý, hài hòa lợi ích trong thu hồi đất. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhắn nhủ các đại biểu Quốc hội có thể yên tâm khi bấm nút thông qua luật này.

Tuy nhiên, không ít đại biểu vẫn bày tỏ sự băn khoăn, chưa thực sự yên tâm. Đại biểu Ngô Văn Minh cho biết ông vẫn sẽ bấm nút thông qua nhưng cũng còn những điều lo lắng. Thậm chí, ông Minh đề xuất nên có phần phụ lục ghi những ý kiến của các đại biểu chưa được tiếp thu hết để bảo lưu và thời gian sẽ chứng minh các ý kiến này đúng sai ra sao.

Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) là rất khó khăn, nhiều khiếu kiện, bức xúc kéo dài gây bất ổn xã hội. Nhiều dự án bị ách tắc, chậm tiến độ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, gây thiệt hại cho các bên, làm giảm sút niềm tin của nhà tài trợ, nhà đầu tư. Thực tế đã có những dự án chủ đầu tư bị nhà thầu đòi phạt cả trăm tỷ đồng do chậm bàn giao mặt bằng thi công.

Ông Thường tỏ ra băn khoăn và quan ngại về tính khả thi và khả năng thành công của Tổ chức phát triển quỹ đất và đề nghị Quốc hội cân nhắc thận trọng điều này. Không để luật thông qua xong thì các dự án sắp tới bị đình trệ bởi công tác GPMB.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp cũng nổi lên nhiều bất cập. Điều này dẫn đến người dân thường xuyên khiếu nại, và bức xúc về việc thau hồi đất không công bằng, tìm mọi cách cản trở việc thu hồi đất.

Theo dự thảo, chính sách hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất giao cho Chính phủ quy định cụ thể, nguyên tắc hỗ trợ phải bảo đảm khách quan, công bằng theo quy định của pháp luật. Thế nhưng với cơ chế thu hồi đất và giá đất bồi thường hiện nay, người có đất bị thu hồi hoàn toàn không được hưởng khoản địa tô chênh lệch đó, giá đền bù rất xa với giá thị trường.

Người dân khi bị thu hồi đất rất ít quan tâm đến những ngôn từ trong luật mà Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề cập là tiến bộ như “tổ chức tư vấn giá đất”, họ chỉ mong công bằng hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG