Hài lòng chưa?

Hài lòng chưa?
TP - “Nhìn lại năm cũ (dù vẫn còn ít ngày nữa), về điều hành chính sách tiền tệ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hài lòng và chưa hài lòng với điều gì?”.

> Một năm chính sách tiền tệ: Còn lắm bộn bề
> Thị trường tiền tệ 2013: Kỷ luật đã được siết lại

Câu hỏi đặt ra tại buổi họp báo chiều 16/12 giữa NHNN và cánh báo chí khiến Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến phải ngưng ít phút rồi mới điềm đạm:

“Có hai vấn đề để ngành rất hài lòng trong năm nay, đó là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, dự trữ ngoại hối tăng cao, lãi suất ổn định. Tính kỷ luật thị trường được thiết lập, không còn hiện tượng dùng lãi suất cạnh tranh lôi kéo tiền gửi giữa các ngân hàng. Bên cạnh đó là sự đồng cảm chia sẻ một bộ phận khá đông trong xã hội”.

Còn không hài lòng (ông Tiến gọi “khéo” là nỗi băn khoăn) đó là với hoạt động phức tạp của hệ thống ngân hàng và trong bối cảnh khó khăn, mục tiêu kinh tế vĩ mô có những tác động trái chiều, triển khai thế nào để đạt chất lượng và lòng dân hiểu là cả một vấn đề nan giải”.

Bước đi của chính sách tiền tệ năm 2013 có gì nổi bật? Trò chuyện, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc, Chánh thanh tra NHNN chi nhánh Hà Nội đã chia sẻ với Tiền Phong. Ông Hưng bảo: Nhìn lại cách đây 2 năm (2010-2011), rõ ràng bức tranh ngân hàng bây giờ khác rất nhiều.

Năm 2009, lạm phát ở hai con số, chính sách tiền tệ của NHNN đưa ra là giảm mạnh tổng cầu để tác động giảm lạm phát nhưng khi đó chính sách hơi cực đoan dẫn đến làm suy kiệt thanh khoản của nền kinh tế (do muốn giảm tổng cầu thì phải thắt chặt). Chưa kể, chính sách tỷ giá cũng không đồng bộ nhất quán, nhiều NHTM không có định hướng, thậm chí “ăn xổi ở thì”.

Còn bây giờ, thử xem NHNN đã làm được gì? Ông Hưng đơn cử: Về chính sách vàng, tỷ giá, lãi suất NHNN đã đưa ra và theo đuổi đến cùng mặc dù cũng có những phản ứng dư luận nhiều lúc khá gay gắt. Đến nay, thị trường vàng đạt mục tiêu bình ổn, tỷ giá ổn định, lãi suất hạ, hệ thống ngân hàng dư thừa thanh khoản.

Sự điều hành khá đồng bộ từ vàng, tỷ giá, lãi suất đã khiến “ông ấy” (chỉ NHNN - PV) nhìn được tất cả diễn biến bức tranh tiền tệ. Đã đến lúc NHNN kiểm soát được dòng tiền trung chuyển trên thị trường.

Năm 2013 qua đi, dấu ấn ở lại là vẫn còn “lắm sóng, nhiều gió” khi nợ xấu tăng tiếp tục cao, tín dụng tăng trưởng chưa như kỳ vọng (tính đến 12/12 tín dụng tăng 8,83% so với cuối năm 2012). Mừng là những kiên định về điều hành đã đem lại kết quả bước đầu. Mừng nữa, những bước đi chập chững nay đã vững và nhận được sự đồng thuận không nhỏ của công luận, giúp NHNN có thêm niềm tin.

Nhưng sự lo hẳn vẫn còn “ngồn ngộn” khi nhiều đầu việc vẫn còn dang dở. Gói 30 ngàn tỷ giải ngân chưa đến đầu đến đũa, đến mức công luận buộc phải đặt dấu hỏi: “Liệu có ngừng không?” Hay như câu chuyện nợ xấu, sở hữu chéo, làm thế nào để minh bạch đưa ra ánh sáng? Rồi tiếp tục đón chờ vẫn là “búa rìu dư luận” với hàng loạt các vụ đại án có liên quan tới ngành ngân hàng từ vụ “Bầu Kiên (dính với ngân hàng ACB)”; Huỳnh Thị Huyền Như (Vietinbank) hay ALCII (Agribank).

Năm mới sẽ là tâm thế mới. Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục gặt hái thành công, đủ lực cùng với các chính sách kinh tế vỹ mô khác,“gánh gồng” vực dậy nền kinh tế? Mong lắm!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG