Hậu họa khôn lường

Hậu họa khôn lường
TP - Nhiều người đặt câu hỏi rằng, giữa đại tham nhũng và tham nhũng vặt cái nào nguy hại hơn? Và rồi nhiều cách ví von rất hình tượng rằng, như trong cơ thể con người, đại tham nhũng là trọng bệnh dạng ung thư, tim mạch, tai biến còn tham nhũng vặt như nhức đầu sổ mũi, ghẻ lở hắc lào. Lại có chuyên gia so sánh tham nhũng vặt như thực phẩm bẩn, từng ngày ngấm vào cơ thể, không chết ngay, nhưng sẽ chết…

Chết ngay hay chết từ từ suy cho cùng kết thúc của nó là sự cáo chung.

Ông Jairo Acuna-Alfaco, cố vấn về cải cách hành chính và chống tham nhũng của UNDP cho rằng: Nếu mỗi năm người dân vừa phải cho phong bì cho khám chữa bệnh, vừa phải chi cho thầy cô để con được quan tâm hơn, vừa phải chi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất thì trung bình họ mất khoảng 7,5 triệu đồng cho sự lót tay, gấp 7 lần lương tối thiểu. Kết quả mà PAPI,  khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên trên gần 14.000 người, vừa được công bố đã khẳng định điều đó.

Nhiều chuyên gia đã thử đưa ra phép tính, nếu chỉ 50% số hộ dân phải chi lót tay, “bôi trơn” theo công bố trên thì khoảng 10 triệu hộ dân toàn quốc mỗi năm phải chi cho tham nhũng “vặt” này một số tiền vô cùng khổng lồ lên đến 75 ngàn tỷ đồng.

Dư luận, giới truyền thông thường bị “hút” vào những “con cá mập” các đại án tham nhũng vài chục, vài trăm tỷ đồng để rồi đôi khi “bỏ qua” chuyện vặt, chuyện nhỏ khi nó “nằm trong sức chịu đựng sự nhũng nhiễu” của công chức viên chức. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho sức đề kháng của người dân trước căn bệnh tham nhũng vặt bị nhờn thuốc, khiến họ bị tê liệt, khuất phục.

Trong một báo cáo của Liên hợp quốc về việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỉ, chỉ ra rằng: Tham nhũng vặt gây sức ép về tinh thần và tác động rất xấu đến niềm tin của người dân vào những người đại diện công quyền; nó ảnh hưởng toàn diện và sâu sắc đến đời sống, công việc, ý chí sống. Một khi tham nhũng vặt xảy ra liên tục, thì con người rất dễ mệt mỏi và trầm uất; làm cho “người nghèo ngày càng bị cách ly khỏi nhịp điệu phát triển của xã hội, và gia tăng cảm giác bất công”.

Nếu không chặn đứng được tham nhũng vặt thì sẽ không bao giờ thoát khỏi tình trạng đói nghèo, bởi mọi mục tiêu, chiến dịch của nhà nước nhằm xóa đói giảm nghèo. Chống tham nhũng lớn đương nhiên là một việc làm cấp bách. Nhưng để thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh” thì chống tham nhũng vặt phải luôn được coi là việc thường xuyên, liên tục, kiên trì, không khoan nhượng và cực kì cấp bách.

MỚI - NÓNG