Hên xui thịt ngoại

Hên xui thịt ngoại
TP - Một số vụ bắt giữ số lượng lớn thịt bò nhập khẩu từ Úc, từ Canada tại TPHCM vừa qua cho thấy, cái mác hàng ngoại nhập cũng không cho người tiêu dùng tâm thế được đảm bảo vệ sinh và sức khỏe.

Gây sốc hơn là thông tin thịt này bị người ta coi là phế phẩm, hàng kém chất lượng, thậm chí chỉ đáng mang đi làm phân bón. Nhưng bằng nhiều con đường, thứ phế phẩm có thể gây bệnh ấy lại len lỏi vào nhà hàng, quán ăn, vào mâm cơm của nhiều gia đình trong khi người tiêu dùng lại tỏ ra rất yên tâm với cái mác ngoại nhập.

Cách đây vài năm, người ta xôn xao về chuyện bát phở bảy-tám trăm ngàn đồng ở Hà Nội, gọi nó là “phở đại gia” bởi được quảng cáo là nấu từ thịt bò Kobe (Nhật Bản), những con bò quí tộc “ăn ngô non, uống bia, nghe nhạc cổ điển, được xoa bóp bằng rượu Sake”. Nhưng rồi sau đó, Bộ NN&PTNT cho biết chưa từng cấp phép nhập khẩu loại thịt bò này và chẳng ai đảm bảo những miếng thịt bò kia có thực đến từ Kobe không. Những “đại gia” ăn phở bò ngoại lúc ấy cũng phải tự an ủi bằng việc huyễn hoặc mình rằng “dù gì thì bò ngoại vẫn ngọt thịt hơn bò nội”.

Mà chẳng phải riêng gì người Việt, ngay cả người Mỹ cũng dính chuyện “bò Kobe rởm” do “cái tội” ham thanh chuộng lạ. Hồi năm 2012, tạp chí Forbes của Mỹ đăng bài nói rằng tất cả thịt bò Kobe bán ở Mỹ là đồ giả, bởi cho đến thời điểm đó, Nhật Bản mới chỉ xuất loại thịt này duy nhất qua Macau.

Đời sống lên cao, trong khi thịt sản xuất trong nước vẫn chưa được kiểm soát về nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, những người thu nhập khá có nhu cầu chính đáng là sử dụng thực phẩm ngoại nhập. Trong thời gian gần đây, thịt bò Úc được bày bán khắp nơi, nhất là các thành phố lớn như TPHCM. Thậm chí ở thành phố đông dân nhất nước này, thịt bò Úc còn được bán giống như cách người ta bán rau hay trái cây. Có những công ty sẵn sàng mang vài ki lô gam thịt bỏ vào thùng xốp đến giao tận nhà. Trong siêu thị còn bày bán cả những đám thịt vụn dán mác “vụn bò Úc”. Chất lượng của những loại thịt này rất “hên xui”.

Tuy nhiên, những vụ bắt giữ thịt bẩn ngoại nhập cho thấy đồ ngoại giờ cũng không phải là an toàn, thậm chí trong nhiều trường hợp như đã trình bày ở trên, còn nguy hiểm hơn cả thịt sản xuất trong nước. Và những người sính ngoại có nguy cơ đã đành, ngay cả những người khác cũng có thể ăn nhầm thịt bẩn ngoại nhập đội lốt thịt trong nước sản xuất khi sự kiểm soát của các cơ quan chức năng lơi lỏng.

MỚI - NÓNG