Hiểm họa

Hiểm họa
TP - Hơn một tuần trước, Hà Nội loạn tin về nguy cơ vỡ đê sông Nhuệ, đoạn qua huyện Từ Liêm. May rằng, nỗi ám ảnh đó đã không xảy ra, còn người dân Hà Nội được dịp bắt cá giữa đường, mò biển số ô tô quanh tòa nhà cao nhất nước.

> Mong manh Đê kè
> Hơn 350 bộ đội, dân quân chống vỡ đê sông Nhuệ
> Bắt cá, lội nước trên đường phố Hà Nội

Điều đáng nói, đoạn đê trên, không hẳn nhà chức trách quản việc đê điều, trị thủy Thủ đô không rõ, mà mùa lũ năm nào, nó cũng là điểm xung yếu dễ tổn thương nhất. Có hẳn cả một dự án để khắc phục sự cố, nhưng rồi vẫn tắc vì vướng chuyện giải phóng mặt bằng.

Nửa đầu tháng 8, có tới ba cơn bão. Mưa lớn liên tục, lũ trên các sông, suối dâng cao, nhiều hồ chứa, đập, thân đê... no nước. Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư Cao Đức Phát luôn lưu ý vấn đề này trong mỗi lần bão đến. Nhưng rồi, đập Phân Lân ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vẫn bị vỡ.

Đã hơn chục năm nay, miền Bắc chưa có lũ lớn. Nếu mưa lớn, lũ kéo dài, đê bị ngâm lâu, chắc chắn sẽ xuất hiện sự cố mới. Chỉ sau cơn bão số 5, 6, có hơn 30 sự cố đê điều, như nứt đê, sạt trượt mái đê, thấm nước, rò rỉ, đùn sủi… ở các tỉnh miền Bắc. Có nhiều sự cố uy hiếp an toàn trên tuyến đê hữu Thương, tả Đuống, hữu Cầu; ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, Hà Nam...

Trong khi những tuyến đê “bị thương”, người dân cũng không khỏi rùng mình, khi có tới gần 320 hồ chứa trong diện “ốm yếu”, trong đó có tới 120 hồ “trọng bệnh”, tình trạng khẩn cấp. Đáng lo hơn, tới 60 % hồ chứa, loại dưới 1 triệu m3 (dạng như hồ đập Phân Lân) đang ở dạng hư hỏng, không đảm bảo an toàn. Không ít những quả “bom nước” đó, nằm trên các tỉnh vùng cao ở phía Bắc.

Một cán bộ thủy lợi nói rằng, các hồ chứa trước đây làm chủ yếu dùng tràn xả lũ tự do, có hồ lấy nền đất tự nhiên làm tràn, có hồ bạt mái bằng bê tông cho vui! Với những thất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu, nguy cơ cho các hồ đập nay là nhãn tiền.

Trong khi đó, tình trạng vi phạm, xâm lấn hồ đập, mái đê, dựng nhà, mở quán, xe quá tải cày nát mặt đê; đến nạn “cát tặc”, dựng bãi vật liệu... trên đê xảy ra ở nhiều nơi. Tuy nhiên, nhiều địa phương các cấp ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm việc giải quyết các vi phạm.

Có cán bộ của Tổng cục Thủy lợi chia sẻ: “Chúng ta chắt chiu 50 năm, nhưng một trận vỡ đê lớn, có thể những gì trong năm thập kỷ đó sẽ không còn gì” khi ông nhắc lại trận lụt, vỡ đê lịch sử ở miền Bắc năm 1971. Mùa mưa lũ về, cứ lởn vởn đâu đó bóng đen thảm họa treo trên những tuyến đê, hồ đập đang mong manh...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.