Hiếu hạnh với đời

Hiếu hạnh với đời
TP - Các trại hè quân đội rèn cho các cô, các cậu mới lớn kỹ năng sống, còn khóa tu báo hiếu đầu tiên tổ chức tại một ngôi chùa Hà Nội mới đây rèn cho họ kỹ năng yêu thương.

> Cha mẹ trong nhà như Phật ở đời

Kỹ năng ấy giúp trải rộng, phơi mở tâm hồn với tầm nhìn vượt ra ngoài nếp nghĩ về hạnh hiếu bình thường. Ngay khóa đầu tiên đã có tới trên 600 người dự tu, từ đứa trẻ lên 10 tới người già 87 tuổi. Trên mảnh đất người đời, một hạt mầm yêu thương nảy nở, sẽ chèn lấp sự nảy nòi của một hạt mầm cái ác.

Có một cuốn sách mỏng khiến những người khô khan nhất cũng phải bật cười, những người cứng rắn nhất cũng phải rơi nước mắt, mang tên “Ba ơi, mình đi đâu ?”. Câu chuyện cảm động về người cha, nhà văn trào phúng nổi tiếng người Pháp Jean – Louis Fournier với hai đứa con trai tật nguyền, mà cứ mỗi buổi tối, ông phải dùng cờ - lê để cởi những bộ quần áo bằng da và kim loại mạ crôm cho chúng.

Chỉ nhờ bộ khung kim loại đè nặng, siết chặt đến thâm tím cơ thể oặt oẹo như hai chú chim non trụi lông ấy, chúng mới có thể giữ vững hình hài. Với hai đứa con tật nguyền, người cha ấy tự nhận cuộc đời mình có đến hai ngày tận thế.

Người cha đối diện với nỗi đau mỗi ngày bằng sự trào lộng hài hước. “Mỗi lần nghĩ đến đôi tay đôi chân bé nhỏ của các con, ba lại hiểu các con sinh ra không phải để được đặt tên là Tarzan … Các con nên nhớ, ba thích các con hơn Tarzan ngạo mạn. Các con dễ khiến người ta cảm động hơn, hai chú chim bé bỏng của ba ạ. Các con làm ba nghĩ đến những người ngoài hành tinh …”.

Đó chính là món quà đặc biệt với những đứa trẻ thiểu năng, mà thông thường những đứa trẻ cùng cảnh ngộ chỉ nhận được từ cha mẹ mình nỗi đau buồn và những tiếng thở dài bất tận.

Kể lại câu chuyện trên giữa mùa Vu Lan, để hiểu rộng dài hơn về chữ Hiếu, mà chiết tự Hán – Việt gồm chữ Cha ở trên, chữ Con ở dưới.

Thiền sư Lê Mạnh Thát sau khi nghiền ngẫm về Lục độ tập kinh - tập đại thành đầu tiên về lịch sử tư tưởng của người Việt từ hàng năm trước, đã phát hiện ra rằng người Việt đã đi xa hơn người Trung Hoa trong quan niệm về chữ Hiếu.

Với người Trung Hoa, hiếu đạo là “Lập thân hành đạo, dương danh với hậu thế”. Còn người Việt, đó là “Giúp nghèo cứu thiếu, thương nuôi quần sinh, là đứng đầu của hạnh” (Chẩn cùng tế phạp, từ dục quần sinh, vi hạnh chi nguyên thủ). Hiếu chỉ là một phẩm chất nằm trong đức hạnh của con người.

Hiếu đễ với cha mẹ, ông bà, dòng tộc là cần, cầu cúng làm phúc với những vong hồn đói khát xiêu lạc là quý. Nhưng cần và quý hơn là biết mở rộng san sẻ tình yêu thương sang đồng loại, đến những phận nghèo đang đói rét quanh mình. Đó mới thực là trọn vẹn hai chữ hiếu hạnh với đời.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG