Hiệu quả tàu vỏ thép

TP - Trong khi các tàu cá vỏ thép mới đóng của nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi, Bình Định và một số địa phương khác đang phải nằm bờ vì hư hỏng sau vài chuyến đi biển thì tàu cá vỏ thép ở nhiều nơi khác đang phát huy hiệu quả.

Tàu vỏ thép (nếu được đóng đạt chuẩn) theo mô tả của ngư dân, chịu sóng gió tốt, chạy nhanh hơn, bám biển dài ngày hơn, chứa được nhiều cá, nhiều đá, giữ được nhiệt đá cũng tốt hơn gấp nhiều lần so với tàu gỗ. Thực tế từ các con tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ về thay thế tàu cá vỏ gỗ, ở các tỉnh thành như Bà Rịa -Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế… cho thấy tàu vỏ thép đi một chuyến biển thường kéo dài đến 25 ngày. Ngư dân không phải trở về bờ ngay nên kết thúc chuyến biển, cập mới bán cá cho thương lái, vì thế bán được giá hơn. 

Điều khác biệt căn bản giữa các tàu vỏ thép đang phải nằm bờ vì hỏng hóc liên miên và các tàu hoạt động ổn định, hiệu quả chính là khâu đóng tàu. Nhìn vào các trường hợp tàu vỏ thép hoạt động hiệu quả, điểm chung cơ bản là các chủ tàu hoặc tự thiết kế, hoặc tự mình giám sát rất kỹ càng từ nguồn nguyên liệu đóng tàu (thép), máy móc, ngư cụ, đặc biệt là rất cẩn thận trong việc lựa chọn loại sơn để sơn thân tàu. Nhiều ngư dân có kinh nghiệm nói lựa chọn sơn cho con tàu là việc cực kỳ quan trọng. Chọn sơn rẻ chỉ tốn vài chục triệu đồng nhưng tàu mau bị bong tróc, trong khi sơn tốt tốn cả vài trăm triệu đồng. Nhưng lợi ích mang lại lớn hơn rất nhiều. Chủ một tàu cá vỏ thép ở Đà Nẵng cho biết đã phải chi vài trăm triệu đồng cho sơn phủ tàu, nhưng rất đáng đồng tiền bát gạo. Con tàu được hạ thủy tháng 3/2016 nhưng tới nay đã đi biển trên 14 chuyến, thu về lãi ròng hơn 2 tỷ đồng, gia đình có tiền trả nợ ngân hàng đúng hạn. Cũng hợp đồng đóng tàu vỏ thép với một công ty có trụ sở ở Nam Định (như công ty Đại Nguyên Dương trong vụ bê bối tàu vỏ thép Bình Định) nhưng một chủ tàu ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã luôn có mặt tại xưởng trong 6 tháng để giám sát công việc, từ vật liệu đóng tàu lẫn việc thi công. Kết quả là cả 3 con tàu của gia đình đều hoạt động rất tốt.

Chủ trương của Chính phủ trong việc hỗ trợ ngư dân là hoàn toàn đúng và thực tế đã chứng minh điều đó. Những  vấn đề phát sinh nằm ở khâu thực hiện và không bàn đến những sai phạm của các bên tham gia chương trình (cơ quan chức năng phải làm rõ và quy kết trách nhiệm), lỗi của các chủ tàu cũng không hề nhỏ khi nhận hỗ trợ với những số tiền rất lớn từ ngân sách, cho dù họ vẫn phải trả lại, nhưng đã không chặt chẽ, quan tâm sát sao đến chính phương tiện mang lại nguồn sống, miếng cơm manh áo của chính gia đình mình.

MỚI - NÓNG