Họ đã chiến đấu

Họ đã chiến đấu
TP- Chiến thắng trận đầu ngày 5/8/1964 đã mở đầu trang sử chiến đấu và chiến thắng hào hùng của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Họ là những binh nhất, binh nhì, mười tám, mười chín tuổi, vừa tròn một tuổi quân hay mới sáu tháng trong quân ngũ…

Vậy mà trận đầu ra quân, ta đã bắn rơi tám máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái đầu tiên, trung úy Everett Alvarez.

Trong chiến công hào hùng ấy có biết bao gương mặt, những tấm gương sáng ngời về tinh thần chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ trẻ. Đó là binh nhất Đinh Trong Mua, bị thương vào trán, máu chảy lênh láng xuống mặt. Để nhìn rõ kẻ thù, Mua vừa lấy tay vuốt máu vừa ngắm bắn máy bay địch.

Là khẩu đội trưởng, Lê Sĩ Hằng bị thương, gãy một chân. Hằng lấy dây buộc chân bị thương vào thành pháo để đứng vững ở vị trí chỉ huy khẩu đội chiến đấu.

Binh nhất Đậu Xuân Thơ - tàu 167, khi đồng đội hy sinh, còn một mình bị thương, Thơ kiêm luôn cả ba vị trí chiến đấu. Máy bay bổ nhào hướng nào, Thơ dùng súng hướng ấy đón bắn địch.

Hạ sĩ Hoàng Thanh Sơn - tàu 175, bị mảnh đạn xuyên thủng bụng, ruột thòi ra ngoài. Sơn lấy tay nhét ruột vào và tiếp tục chiến đấu. Một quả bom nổ hất Sơn xuống biển. Anh bơi vào, bám lấy thành tàu, leo lên tiếp tục vào vị trí chiến đấu cho đến phút cuối cùng.

Binh nhì Nguyễn Văn Vinh, chưa đầy tuổi quân, lúc tiếp đạn, lúc cấp cứu thương binh. Khi tàu trúng đạn, thuyền trưởng cho phép rời tàu, Vinh khảng khái: “Tàu còn thì tôi còn. Đề nghị thuyền trưởng cho tôi ở lại chiến đấu tới cùng”.

Binh nhất Nguyễn Sĩ Tiến bị thương nặng, lấy máu mình viết lên vách đài chỉ huy: “Tiến chết, bảo anh đi bộ đội trả thù”.

Pháo thủ số 5 Đặng Đình Lống - tàu 146, bị thương gãy một chân, tự mình băng bó và tiếp tục chiến đấu. Mấy phút sau, chân còn lại bị trúng đạn gãy nốt. Lống tự lấy dây lưng cột chặt người vào giá súng và tiếp tục chiến đấu cho đến khi anh trút hơi thở cuối cùng.

Thợ máy Cao Viết Thao, trong lúc tàu bốc cháy, ống dẫn dầu bị vỡ, không chút do dự nhảy vào giữa đống lửa dùng các phương tiện dập lửa cứu tàu mặc cho quần áo bị cháy, toàn thân bị bỏng.

Binh nhất Nguyễn Quốc Chủng - tàu 124, bị hỏng nặng, cán bộ chiến sĩ trên tàu bị thương gần hết, còn lại một mình với hai khẩu 14,5 ly, vẫn kiên trì chiến đấu. Binh nhất Đồng Quốc Bình, tàu 122, được đơn vị thưởng phép.

Đang trên đường về thăm gia đình, được tin máy bay Mỹ bắn phá căn cứ hải quân ta ở Bãi Cháy, Bình vội vàng quay lại đơn vị. Tàu đã cơ động ra xa, Bình dùng thuyền đánh cá của dân bơi theo tàu trong tiếng bom đạn nổ. Bị thương hai lần, Bình vẫn tiếp tục tiếp đạn cho các vị trí chiến đấu.

Bị thương lần thứ ba vào bên sườn làm ruột buột ra ngoài, Bình dùng tay nhét ruột vào, giữ chặt lấy vết thương, còn một tay tiếp tục chuyển những băng đạn đến các vị trí chiến đấu cho đồng đội. Trận đấu kết thúc cũng là lúc Bình trút hơi thở cuối cùng.

Còn có bao nhiêu tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng của các chiến sĩ trẻ khác trong cuộc chiến đấu với máy bay Mỹ ngày 5/8/1964, mà chúng ta chưa nêu tên, kể chưa hết về họ.

Họ đã chiến đấu, hy sinh cho  khát vọng cao cả của dân tộc, khát vọng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đó là bài học sâu sắc nhất, ý nghĩa nhất đối với thế hệ trẻ và các chiến sĩ trẻ hôm nay.

MỚI - NÓNG