Hồ sơ Panama và hai đoản khúc

Hồ sơ Panama và hai đoản khúc
TP - Chuyện nóng bỏng trong tuần qua -  một số tổ chức, cá nhân người Việt có tên trong “Hồ sơ Panama” đang khiến nhiều người dân bình thường phải tâm tư, bởi có vẻ xã hội chúng ta còn có nhiều sự thiếu minh bạch.

Cá chết, người dân lặn xuống phát hiện Formosa có đường ống xả thải ngầm mà sau đó lãnh đạo bộ liên quan người nói luật cho phép, người nói không. Rồi tự quan trắc, tự báo cáo. Thiên hạ tung hê mới biết nhiều vị xứ ta cũng có tên ở những “thiên đường thuế” hoặc có người gọi là nơi tránh thuế. Trên thế giới, ai cũng hiểu tránh thuế về bản chất là điều xấu, tức là trốn tránh nghĩa vụ của mình. Còn những “thiên đường thuế” cũng vì lợi ích riêng mà tạo điều kiện để thiên hạ tránh thuế, có lợi cho kẻ “né thuế” và cả quốc gia, vùng lãnh thổ sở tại. Tại những nơi này, khung pháp lý “tạo điều kiện” để người giàu dễ dàng che giấu các tài sản, trốn tránh những nghĩa vụ mà tại chính quốc, lẽ ra họ phải thực hiện. Ai là những đối tượng yêu thích các “thiên đường thuế”? Thực tế cho thấy chỉ có một loại người, cho dù là quan chức hay doanh nhân thì lý do họ gặp nhau ở đây chỉ có một: vì họ đều giàu có và có điều kiện để vươn tới các “thiên đường thuế” đó.

Về danh nghĩa, thành lập một chi nhánh ở nước ngoài là điều hợp pháp, nhưng thành lập chi nhánh tại các “thiên đường thuế” để làm gì và vì sao lại xuất hiện ở đây, mới là vấn đề. Chưa thể khẳng định ngay những ông bà có tên trong “hồ sơ Panama” là mờ ám, nhưng có một nhu cầu “không hề nhỏ” trong công chúng về việc làm rõ lý do tại sao gần 200 cái tên tổ chức, cá nhân có yếu tố Việt Nam xuất hiện tại “thiên đường thuế”. Chỉ có như vậy mới xóa bỏ sự nghi ngờ và lấy lại niềm tin của công chúng trong địa hạt này.

2. Trên đây là phương diện quốc nội. Còn rộng hơn, vì sao trên thế giới lại ra đời và tồn tại được những “thiên đường thuế” như vậy. Thực ra ở đây trước hết  phải phân biệt vài loại “thiên đường thuế”. Một loại là các quốc gia và vùng lãnh thổ đặt ra mức thuế rất thấp để thu hút đầu tư, nhưng có hệ thống pháp luật và tài chính có tiếng là minh bạch, đơn cử như Singapore. Loại thứ hai là các nước và vùng lãnh thổ được tiếng là văn minh nhưng đặt mức thuế thấp và bảo vệ bí mật cho các chủ công ty và chủ tài khoản ngân hàng đến cùng, nên vẫn gây sự nghi ngờ, chẳng hạn như Thụy Sĩ. Và loại thứ ba, những nơi đặt thuế thấp, thuế suất bằng 0% hoặc không đánh thuế mà chỉ hưởng lợi nhờ thu phí thành lập doanh nghiệp và phí dịch vụ tài chính. Đây thực sự là thiên đường của các dòng tiền “đen” (có nguồn gốc từ tham nhũng hoặc tội phạm) và “xám” (có nhờ gian lận thuế). Hai trong số những “thiên đường” kiểu này là hai quần đảo Trinh Nữ (British Virgin Islands) và Cá Sấu (Cayman Islands) là các lãnh thổ hải ngoại của Anh quốc. Rồi Bahamas - một “thiên đường” khác cũng là cựu thuộc địa và hiện vẫn có những quan hệ gần gụi với nước Anh (độc lập khỏi Anh mới từ 1973 và vẫn coi Nữ hoàng Anh Elisabeth II là quốc vương của mình). Phải chỉ ra như thế để hiểu vì sao cố vấn của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon là ông Jeff Sachs lại phát biểu: “Thiên đường thuế không thể tự nhiên xuất hiện. Chúng là sự lựa chọn có chủ ý của chính phủ các nước lớn, đặc biệt là Anh và Mỹ, trong mối hợp tác với các tổ chức nhằm dịch chuyển dòng tiền".

Mới hay sự minh bạch vẫn còn là các đích ở xa phía trước, kể cả với những quốc gia cứ dương dương tự đắc mình là hình mẫu của sự minh bạch.

MỚI - NÓNG