Hóa giải những nỗi đau

Hóa giải những nỗi đau
TP - Ngay khi Hội nghị Quốc tế về An toàn giao thông (ATGT) đang diễn ra tại Hà Nội, một vụ TNGT vừa diễn ra ở một con ngõ nhỏ tại phường Ngọc Thụy Long Biên Hà Nội: Mẹ chở con 2 tuổi bằng xe tay ga, vượt ô tô, gặp chướng ngại vật phanh gấp; con văng ra bị ô tô nghiền nát.

> Chuyên gia ngoại hiến kế giảm tai nạn giao thông
> Giảm tắc nghẽn nhưng ùn ứ chưa giảm

Cháu bé lúc đó được mẹ chở đi chơi cười nói bi bô. Cả con ngõ không ai bảo ai bỗng như câm lặng. Trước đó vài ngày, ở TPHCM người ta cũng phải chứng kiến cảnh hai mẹ con chết thảm dưới gầm xe container. Những cái chết này khiến người sống (cả những người không quen biết nạn nhân) đau đớn tột cùng.

Lần đầu tiên, Việt Nam có một hội nghị hiến kế các giải pháp ATGT. Cũng lần đầu tiên, Việt Nam gọi TNGT là thảm hoạ, tính được những mất mát cụ thể: Trong 10 năm qua, cả nước có hơn 100.000 người chết.

Để khắc phục hậu quả do TNGT gây ra, trung bình mỗi năm, Việt Nam mất 2 tỷ USD. Số tiền trên có thể xây dựng được 10 bệnh viện cấp tỉnh, hơn 1.000 trường học và hơn 6.000 căn nhà tình nghĩa. Các nạn nhân TNGT đã được thế giới tưởng niệm từ lâu, nhưng Việt Nam năm nay mới có.

Phàm đã là người không ai muốn mình hoặc người thân đoản mệnh, nhưng trước trận đồ bát quái giao thông hiện nay chỉ còn biết đổ cho số mệnh. Thường khi đứng trước linh cữu người thân, người ta mới bừng tỉnh về ý thức tham gia giao thông.

Ở Nghệ An, có một cái chết liên quan con trẻ đã gần 10 năm, nhưng đến giờ người ta vẫn nhắc. Ông bố say rượu, một tay cầm tay lái xe máy, một tay đỡ con ngồi phía trước. Xe chạy qua ổ gà, con 3 tuổi rơi xuống bị chính chiếc xe bố đè chết.

Người mẹ lên cơn điên, cả nhà điêu đứng vì hàng xóm ghẻ lạnh (do căm ghét hành vi thiếu trách nhiệm của người bố). Ai cũng có cảm giác đau đớn, nhất là những vụ TNGT liên quan trẻ em, nhưng chưa chắc đã lường hết hậu quả khi phóng xe ngoài đường.

Hãy thử làm một cuộc hành trình sẽ thấy con người luôn đầy ắp những áp lực: Lên xe khách có nguy cơ gặp tài xế lái ẩu, phương tiện cũ nát; đường sá chật hẹp, hư hỏng; người đi đường bất chấp tính mạng; biển báo giao thông tuỳ hứng; nguy cơ xăng dầu bẩn; một chiếc còi hơi trên phố...Chỉ cần tồn tại một trong những yếu tố này là có thể kết thúc một kiếp người.

Cơ quan chức năng mỗi khi thống kê thường xếp vụ TNGT chết nhiều người là thảm khốc, nhưng câu chuyện về những cháu bé tử vong vì TNGT lay động tâm can người lớn khôn nguôi. 600 nhà khoa học khắp nơi trên thế giới đang họp bàn hiến kế cho giao thông Việt Nam, 500 nhà sư vừa cầu kinh cho các nạn nhân tử vong vì TNGT.

Nghĩa là có hiện thực và tâm linh. Hy vọng, tới đây “từ một ngã tư đường phố cuộc sống reo vui từng giờ/ Khi nắng mai về người và xe nối nhau đi trên đường” (lời bài hát Từ một Ngã tư đường phố-Phạm Tuyên).

Chứ không phải hình ảnh những nén hương thắp vội cho người xấu số và người thân vật vã bên lề đường khóc thương.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG