Học trước, làm quan sau

Học trước, làm quan sau
TP - “Đã đến lúc phải xác định học hành đàng hoàng rồi mới ra làm quan, đừng cho làm quan rồi mới đi học”, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch trao đổi với báo chí sáng 9-11, trước phiên thảo luận về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Ông phân tích, phải chuyên nghiệp hóa bộ máy hành chính; quan chức hành chính phải có bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ, không phải bằng cấp chung chung, tách biệt với quan chức chính trị và không nên đổi qua đổi lại vị trí, chức danh.

Nếu được vậy, quả thật người dân sẽ đỡ khổ sở khi có việc đến cơ quan hành chính, không còn phải chạy lòng vòng tốn vô vàn công sức như lâu nay. Xã hội cũng tiết kiệm được số tiền có lẽ còn lớn hơn cả việc đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Vấn đề chuyên môn hóa quan chức cũng đã được nêu ra hôm 8-11, khi thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử Đại biểu HĐND. Đại biểu Lê Quốc Dung và Sùng Thị Chư phát biểu: Các đại biểu ứng cử phải công khai tiểu sử bằng cấp, tiểu sử học vấn.

Được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ trước khi trở thành công chức là điều kiện cơ bản để xây dựng đội ngũ công chức có nghề. Người có nghề mới có thể nói tới lương tâm nghề nghiệp, không có nghề khó nói tới lương tâm nghề nghiệp. Đội ngũ công chức có nghề sẽ tạo ra bộ máy có trách nhiệm với công dân.

Đào tạo nghề trước khi trở thành công chức còn chấm dứt được tình trạng đào tạo chuyên tu, tại chức cho công chức kéo dài mấy chục năm nay, gây tốn kém và lãng phí rất lớn. Không chỉ lãng phí ngân sách, còn lãng phí thời gian của xã hội, bởi một công chức đi học thì một vị trí công quyền bị bỏ trống, ảnh hưởng tới rất nhiều người, nhiều việc. Chắc trên thế giới có ít nước như ta, bầu công chức … đi học, đến mức hài hước như có vị bộ trưởng nghỉ hưu còn tính du học bằng ngân sách.

Khi ngân sách giáo dục đào tạo không còn tốn kém để đào tạo công chức, sẽ tập trung cho thế hệ tương lai được nhiều hơn, mở ra thêm hy vọng đất nước tiến kịp các nước tiên tiến.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết từng bày tỏ sự băn khoăn: “Nói 20% dành cho giáo dục nhưng giáo dục là cả đào tạo cán bộ chính trị từ huyện, hệ thống an ninh quốc phòng....Nếu mình cứ yên tâm với tất cả bề mặt ổn định thế này, không tính đến sóng ngầm thì có lúc mình sẽ phải trả giá”.

Hạn chế cử công chức đi đào tạo còn loại bỏ được những “gương xấu” của nạn học giả bằng thật. Trước nay, công chức thường phải tìm mọi cách, mọi giá và để “làm” tiến sĩ, để được bổ nhiệm vào một vị trí nào đó và để lại không ít tai tiếng.

Đó là những tấm bằng tiến sỹ do cơ sở giáo dục của nước ngoài tại Việt Nam cấp đầy nghi vấn, không ít người có tấm bằng tiến sỹ do các trường đại học trong nước cấp mà chất lượng không tương xứng với bằng. Một số quan chức ngành GD&ĐT công khai thú nhận, họ cũng xấu hổ về những tấm bằng được cấp đó.

Cuối cùng, công chức được đào tạo căn bản sẽ có được tư thế đĩnh đạc và tự tin, nhất là khi tiếp xúc với dân. Người dân cũng mạnh dạn và yên tâm khi tiếp xúc với công chức. Một cơ sở tạo nên niềm tin giữa hai phía, nền móng cho một xã hội dân chủ và phát triển.

MỚI - NÓNG