Học từ chối

Học từ chối
TP - Một con số thống kê ngẫu nhiên, nhưng đáng để cơ quan chức năng suy ngẫm. Hai trong số những nhà đầu tư dẫn đầu về số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đến từ Hàn Quốc và Đài Loan, có số vốn đăng ký gần 40 tỷ USD, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn thực tế thấp.

Đáng lưu ý hơn, các nhà đầu tư đến từ hai nước trên, có hàng trăm dự án đầu tư bị phá sản. Với doanh nghiệp, chuyện làm ăn khó nói trước nên phá sản cũng là bình thường, nó chỉ không bình thường khi mà ở hàng loạt dự án, chủ đầu tư nước ngoài còn gian dối trong việc lập hồ sơ vay vốn, rồi sau đó biến mất một cách bí ẩn.

Có thực tế là, việc thẩm định giá trị tài sản đảm bảo chủ yếu chỉ dựa trên hồ sơ khai báo của doanh nghiệp mà không theo giá trị thực tế. Do đó, các doanh nghiệp thường khai tăng giá trị tài sản đảm bảo để được vay nhiều vốn nên khi doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước, ngân hàng gặp nhiều rủi ro trong việc thanh lý tài sản đảm bảo. Chưa kể, có ngân hàng còn cho cả doanh nghiệp FDI vay vốn xây dựng tài sản cố định. Tiếng là nhà đầu tư nước ngoài, nhưng họ vào Việt Nam với hai bàn tay trắng, đến khi phá sản bỏ trốn, để lại đống nợ, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Việt Nam.

Bộ KH-ĐT cho biết, trong giai đoạn 2005-2010, Việt Nam thu hút được 155 tỷ USD vốn đăng ký FDI, nhưng số vốn thực hiện chỉ đạt 47 tỷ USD, bằng 30,9% lượng vốn đăng ký. Tỷ lệ giải ngân vốn thực tế thấp, có nguyên nhân từ sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tỉnh, thành phố về thu hút vốn FDI. Do cạnh tranh không lành mạnh, không ít tỉnh đã thu hút vốn FDI bằng mọi cách, mà không kiểm soát được chất lượng nhà đầu tư. Cộng với tình trạng buông lỏng quản lý, không hậu kiểm gắt gao, dẫn tới nhà đầu tư khi vào đăng ký hoành tráng, nhưng khi giải ngân chẳng được bao nhiêu. Nguy hiểm hơn, tại nhiều địa phương, còn có tình trạng các dự án FDI có vốn điều lệ đăng ký thấp, sau đó tăng vốn vô tội vạ để lấy cớ vay hàng trăm tỷ đồng từ các ngân hàng trong nước...

Chuyện các ông chủ nước ngoài bỏ trốn, xù nợ, cho thấy lỗ hổng lớn trong công tác quản lý, thẩm định chất lượng dòng vốn FDI thời gian qua. Đã tới lúc, Việt Nam phải biết nói không với những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam kiểu “tay không”. Thậm chí, phải biết từ chối cả những dòng vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào những lĩnh vực ô nhiễm môi trường, tiêu hao năng lượng lớn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG