Hỏi dân Thạch Khê

TP - Giữa hai núi lo khi dừng dự án khai thác quặng sắt Thạch Khê lớn nhất Việt Nam, nhà đầu tư mất đứt hơn nghìn rưỡi tỷ đồng và thảm hoạ môi sinh đổ xuống đầu không chỉ dân tỉnh Hà Tĩnh, lo cái gì hơn?

Không thể dửng dưng với việc chưa có phương án nào hỗ trợ nhà đầu tư lỗ chỉ vì khai tử dự án. Riêng giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ an sinh xã hội, khắc phục ô nhiễm, và nộp ngân sách, họ đã chi 703 tỷ đồng tính đến 31/10/2016.

Song có vài bí ẩn cần được lý giải. Thứ nhất, đâu là động lực thực sự khiến Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) chào đời hồi tháng 5/2007 với rầm rộ chín cổ đông hứa góp vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng? Lúc đó, mọi luận chứng từ các đối tác ngoại gần như đã rõ về một mỏ sắt ven biển trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á (544 triệu tấn), hàm lượng sắt cực cao (54%), nằm gọn gàng trong một vùng (chủ yếu thuộc xã Thạch Khê của Hà Tĩnh), trị giá 35 tỷ USD. Họ không muốn động đến Thạch Khê nữa không phải vì lo ô nhiễm bất chấp nó từng được Liên Xô quan tâm đặc biệt nhằm giúp Việt Nam “lấy công nghiệp nặng làm then chốt” cách đây nửa thế kỷ.

Thứ hai, tại sao Bộ Tài nguyên&Môi trường và địa phương cho TIC khai thác trên 12 triệu tấn quặng/năm, gấp nhiều lần nhu cầu sắt thép nội địa trong lúc thị trường thế giới ảm đạm? Bản thân nhà máy thép Formosa khổng lồ cạnh đó không thích mua sắt Thạch Khê dù “mối quan hệ biện chứng” ấy từng là một trong những lý lẽ nặng ký để TIC đòi duyệt dự án.

Thứ ba, chỉ riêng chất thải bóc lớp phủ bề mặt, có vẻ quá đơn giản về cách xử lý. Khoảng 17,2 triệu tấn bóc thử từ tầng đất phủ trong ba năm, từ 2009-2011, vẫn đang lộ thiên trước mặt bà con sáu xã vùng dự án. Khoảng 171 triệu tấn được bóc sau 52 năm khai thác chả nhẽ cũng trơ gan như thế ở nơi gió đến đâu cát bay, cát chảy đến đó?

Năm ngoái, TIC và Bộ Công Thương đề xuất xin 923 ha mặt biển ven bờ để nhận chìm cái gọi là “vật chất” này. Muốn vậy, sẽ ngốn bộn tiền để xây kè sao cho nó chịu được khối thải dự kiến cao 25m cũng như vững vàng trước các đợt sóng xô bờ. Còn nếu kè chỉ là xếp đá hộc như thiết kế, coi như không còn nước biển trong xanh để Hà Tĩnh làm du lịch khi cát rỉ ra từ các khe kẽ. Nghĩa là kiểu gì cũng nan giải.

Lẽ ra, dự án được tái khởi động từ quý I/2017 sau bảy năm tạm dừng. Nếu dừng hẳn dự án, thiệt hại cho TIC sẽ không nhỏ, tương đương 70 triệu USD. Song chưa là gì nếu biết Formosa phải đền 500 triệu USD cho cái giá làm bẩn biển miền Trung hồi tháng 4/2016.

Một khi cứ nhất quyết chạy dự án khai thác lộ thiên quy mô nhất từ trước đến nay, chiếm dụng 4.821 ha gấp 10 lần diện tích hồ Tây ở thủ đô Hà Nội, trước hết nên hỏi dân Thạch Khê, hỏi dân sáu xã bị ảnh hưởng trực tiếp, xem họ muốn gì đã.

MỚI - NÓNG