Hôm nay, Gạc Ma!

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TP - Và không chỉ Gạc Ma. Mà còn cả Cô Lin, Len Đao trong Chiến dịch Chủ quyền 1988 ngày này tròn 29 năm trước, 14/3/1988. Đá Gạc Ma hôm ấy mất vào tay kẻ xâm lấn dưới mưa đạn hung hãn, nhưng đá Cô Lin, đá Len Đao gần bên vẫn vững vàng tung bay cờ Tổ quốc giữa biển Đông. Máu đồng đội chúng ta buổi sáng bất tử ấy không chỉ nhuộm thắm Gạc Ma...

Hai hôm trước, nơi vùng núi Cùa (Cam Lộ, Quảng Trị), thầy và trò trường THPT Lê Thế Hiếu trang trọng tổ chức lễ tưởng niệm Gạc Ma. Chính mảnh đất này trên 130 năm trước từng là căn cứ Tân Sở, nơi vua Hàm Nghi bỏ kinh thành Huế lên đây ban bố chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân chống Pháp. Chiếc bàn lớn đặt giữa sân trường, trên 64 dòng tên liệt sĩ Gạc Ma, thầy và trò cùng với những cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo, Trần Thiện Phụng lần lượt thắp lên 64 viên trầm hương nghi ngút. Biển đảo hay núi rừng, nơi đâu cũng dậy lên lòng ngưỡng vọng những người con xả thân vì nước. 

Biểu tượng Vòng tròn bất tử bằng đá hoa cương đã hiện lên sừng sững bên bán đảo Cam Ranh, trong quần thể Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Trên đồi cát cao hướng ra biển Đông là hình tượng 9 người lính đã “nằm lại phía chân trời” giữa từng lớp sóng xô, sau lưng vẫn hiên ngang cờ Tổ quốc. 

Có lẽ con số 9 ấy khởi nguồn từ 9 ngôi mộ gió Gạc Ma trên nghĩa trang thành phố Đà Nẵng. Chín đứa con Đà Nẵng ngày ấy ra Trường Sa, đã vĩnh viễn không về. Người Gạc Ma cuối cùng trở về từ nhà tù Trung Quốc - cựu binh Dương Văn Dũng, sau cơn trọng bệnh cũng vừa về nằm bên đồng đội ngay chính đầu tháng Ba lịch sử này.  

Năm 1998, tôi ra Trường Sa. Trên đảo chìm Cô Lin, cứ hình dung về buổi sáng 14/3/1988 chính tại nơi này, chiếc tàu HQ-505 quả cảm dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ giữa làn mưa đạn pháo đã lao thẳng tàu lên bờ đá biến thân mình thành một công sự khổng lồ để chiến đấu giữ đảo. Chiếc tàu ấy sau vì bị thương quá nặng, đã được ta thả chìm ngay bên thềm đảo. Như một cột mốc ngầm giữa biển Đông.

Ở Cô Lin lần ấy, tôi nhớ chàng trung sĩ trẻ quê Thái Bình Bùi Văn Sử, một “nhà thơ” báo tường. “Mơ đã chín lại trở về trong xanh/ Không chịu rụng xuống vườn lá mục/ Không muốn rụng vào tay ai khác/ Ai người qua vẫn thầm nói còn xanh”. Sử bảo em không ích kỷ đâu anh. Vì người yêu em thích bài thơ này lắm, đúng với tâm trạng đợi chờ của cô ấy. Người yêu của Sử là Phạm Thị Bình cùng quê. Cô Lin chỉ 10 năm sau trận hải chiến, máu còn như chưa phai mờ trên từng vết rêu đá. Cô Lin, Trường Sa ngày ấy còn khó còn khổ biết bao nhiêu so với bây giờ. Gần hai mươi năm rồi, người lính ấy nay đã về lại quê hương hay vẫn còn trong quân ngũ? Cứ theo mãi trong tôi hình ảnh mái tóc và gương mặt cháy đen nắng gió với nụ cười sáng rỡ.

Không chỉ Gạc Ma, mà đúng ngày này 29 năm trước máu đồng đội của chúng ta đã đổ trên Cô Lin, Len Đao giữa Trường Sa thân yêu.. Nhưng mỗi ngày, vẫn cứ đau đáu trong lòng tiếng kêu: “Hôm nay, Gạc Ma”…

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.