Hụt hơi

Hụt hơi
TP - Không phải rượu lậu, rượu “cuốc lủi” mà là “rượu công ty”hẳn hoi. Không phải thứ rượu nấu thủ công của mấy lò rượu “truyền thống”. Mà là rượu có nhãn mác, có “mã số mã vạch”. Hẳn là những người bị ngộ độc rượu trong một loạt các vụ việc liên quan đến loại rượu “29 Hà Nội”

> Công ty Rượu nếp 29 Hà Nội đóng cửa
> Bộ Y tế công bố 3 loại rượu có thể gây chết người

ở Quảng Ninh khiến 6 người thiệt mạng kia ít nhiều cũng đã ý thức được chuyện phải tự bảo vệ mình trước các loại đồ uống không nguồn gốc, xuất xứ.

Và niềm tin của họ đã không được đặt đúng chỗ, hay chính xác hơn là những người sản xuất thứ rượu chết người kia đã xúc phạm niềm tin của người tiêu dùng: Kết quả kiểm định các mẫu rượu thu được từ các vụ ngộ độc ở Quảng Ninh vừa qua cho thấy hàm lượng methanol và ethanol trong rượu chiếm từ 80-98%, vượt từ… 1.600 đến 1.900 lần tiêu chuẩn cho phép.

Ai học qua hóa học đều có thể hiểu methanol là chất rất độc, với một lượng nhỏ có thể gây mù, nhiều hơn có thể gây tử vong dễ dàng. Đây là loại cồn công nghiệp bị cấm sử dụng trong ăn uống.

Và người ta đã phát hiện chất độc ấy trong sản phẩm thương mại của một công ty có đăng ký kinh doanh vượt tiêu chuẩn hàng ngàn lần cho phép. Sáu người thiệt mạng là rất đáng tiếc, nhưng ít ra một loạt vụ việc liên tiếp xảy ra tại một địa phương và cùng liên quan đến một loại đồ uống có nguồn gốc, có nhãn mác một lần nữa cho thấy vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta đang ở tình trạng khủng khiếp chứ không chỉ còn là “ở mức đáng báo động” nữa.

Dường như các cơ quan quản lý đang hụt hơi và rối như canh hẹ trước ma trận thực phẩm bẩn, đồ ăn đồ uống giết người này. Có ai đó nói chuyện thực phẩm bẩn, thực phẩm độc và vấn đề làm ăn bất lương của một số người, bất chấp tính mạng của người khác là mẫu số chung của các nước đang phát triển, bên cạnh những vấn đề khác như ô nhiễm môi trường, xâm hại thiên nhiên, khai thác tài nguyên cạn kiệt… Tuy nhiên, thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại không chỉ gây thiệt hại về lâu dài, làm suy kiệt giống nòi mà hậu quả là nhãn tiền.

Tính mạng, sức khỏe bị đe dọa hằng ngày và rộng khắp, tiền của của người dân cũng bị tiêu tán do gánh nặng chạy chữa những căn bệnh mà nguyên nhân sâu xa là từ đồ ăn thức uống, như khẩu ngữ thời nay “bệnh từ đằng miệng mà vào”.

Ở một đất nước mà hầu như ai cũng có thể dễ dàng gia nhập đội ngũ kinh doanh thực phẩm và khi hành vi trục lợi từ việc kinh doanh thực phẩm bẩn chưa bị xử nặng thì sẽ còn có nhiều người chết oan. Siết chặt các điều kiện kinh doanh liên quan đến lĩnh vực thực phẩm và bổ sung các chế tài để xử lý mạnh tay những kẻ làm ăn gian dối, vô lương là điều cấp thiết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG