I am…

I am…
TP - “I am đàn bà” là tên một truyện ngắn trong tập truyện ngắn cùng tên của nhà văn Y Ban xuất bản năm 2006. Truyện kể về một phụ nữ nghèo, đông con, nhặt nuôi một em bé bị bỏ rơi, đi làm ô-sin ở nước ngoài kiếm tiền nuôi gia đình, chăm ông chủ bị liệt như chăm con, rồi khi bị cáo buộc quấy rối tình dục, chỉ bào chữa bằng mỗi một câu nửa Anh nửa Việt: “I am đàn bà”.

Truyện giàu giá trị nhân văn, khắc họa một số nét tâm lý, tính cách đặc trưng của phụ nữ Việt Nam: thương người, hy sinh vì chồng con… Tuy nhiên, nếu coi truyện ngắn này là một bài báo phản ánh thực tế (từng có một số người lên án “I am đàn bà” là dâm thư, bêu riếu hình ảnh phụ nữ Việt Nam) thì tác phẩm hư cấu này cũng phản ánh 3 khía cạnh thực tế của một vấn đề lao động giờ vẫn còn nóng hổi: phần lớn xuất khẩu lao động để thoát nghèo, làm công việc giản đơn và kém ngoại ngữ.

Những năm qua, nhiều bài báo liên quan xuất khẩu lao động có tít khá giống nhau: Đi để thoát nghèo, Nông dân thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động, Xuất khẩu lao động trở thành kênh thoát nghèo… Cũng có nhiều bài báo phản ánh tình trạng nhiều lao động Việt ở xứ người đảm nhận những công việc mà phương Tây coi là “cổ cồn xanh” (lao động tay chân), hoặc “3D” (dirty, dangerous, demeaning - bẩn thỉu, nguy hiểm, mất giá). Và còn một thực tế nữa mà báo chí ít đề cập là dòng chảy lao động của Việt Nam vẫn một chiều, chưa đảo chiều như một số nước châu Á khác. Sau một thời gian ngắn xuất khẩu lao động, Hàn Quốc, Thái Lan… trở thành nước nhập khẩu lao động. Cụ thể, những năm 70 của thế kỷ trước, Thái Lan bắt đầu xuất khẩu lao động, chủ yếu là nam giới làm việc trong ngành xây dựng ở Trung Đông. Hai thập niên sau, do kinh tế phát triển nhanh, Thái Lan ngừng xuất khẩu, chuyển sang nhập khẩu lao động. Với trường hợp Hàn Quốc trong mối tương quan với Việt Nam, số lượng kiều bào sinh sống tại mỗi nước là tương đương - khoảng 140.000 người (theo số liệu của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam). Nhưng ở đây có một sự khác biệt lớn về lao động - phần lớn người Hàn Quốc tới Việt Nam là để làm ông chủ, bà chủ.

Còn về trình độ ngoại ngữ của nhiều người lao động Việt Nam, chỉ cần quan sát họ ở sân bay nước ngoài, sẽ thấy… Nghe thông báo liên quan thủ tục hàng không - không hiểu; nghe nhân viên hải quan hỏi - không hiểu; nhìn biển báo chỉ dẫn - không hiểu. Trong khi đó, giáo viên phổ thông, giảng viên đại học mới đây thi lấy chứng chỉ tiếng Anh theo tiêu chuẩn châu Âu trượt vỏ chuối hàng loạt, rụng như sung. Kết quả khảo sát năng lực giảng dạy tiếng Anh của giáo viên ở nhiều địa phương cho thấy, chưa đầy 10% đạt chuẩn mới.

Tuy nhiên, có một tín hiệu đáng mừng trong lĩnh vực lao động là các cơ quan, đơn vị ở Việt Nam đã bắt đầu quan tâm việc tận dụng cơ hội việc làm mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN đem lại. Lao động có kỹ năng trong 8 ngành nghề được tự do dịch chuyển trong khối. Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy hoạch liên quan, như áp dụng khung trình độ quốc gia theo khung tham chiếu ASEAN, phát triển hệ thống chuyển đổi tín chỉ, nâng cao chất lượng đào tạo trong 8 lĩnh vực nghề nghiệp, ngoại ngữ…

Rồi có một ngày, phần lớn lao động Việt ở xứ người là “cổ cồn trắng”, xa quê để làm giàu, làm với tư cách ông chủ, chỉ đạo bằng tiếng Anh, bằng tiếng của dân bản xứ, tự hào mà rằng “Tôi là người Việt Nam”.

MỚI - NÓNG