Kê khai & công khai

Kê khai & công khai
TP - Nhằm lấy lại niềm tin của người dân, Chính phủ Pháp đã quyết định công khai toàn bộ tài sản của 37 vị bộ trưởng trong nội các tại trang web chính phủ www.gouvernement.fr vào lúc 17 giờ 15/4/2013 (giờ địa phương).

> Các bộ trưởng Pháp công khai tài sản
> Báo động đỏ thu nhập ngoài lương

Truyền thông và người dân Pháp đều ủng hộ và nóng lòng muốn biết tài sản của các vị bộ trưởng đáng kính lâu nay ra sao? Liệu có trung thực như kỳ vọng? Một số vị Bộ trưởng đã mau lẹ tự kê khai với báo chí, ví như: Bộ trưởng Y tế và Các vấn đề xã hội Marisol Touraine có tài sản khoảng 1,8 triệu USD, chủ yếu là bất động sản ở Paris; Bộ trưởng đặc trách người khuyết tật Marie-Arlette Carlotti có hai căn hộ và một ngôi nhà ở miền nam nước Pháp, tổng giá trị là 740.000 USD; Bộ trưởng Văn hóa Aurelie Filippetti sở hữu căn hộ 70 mét vuông ở Paris; Bộ trưởng Nhà ở Cecile Duflot sở hữu căn nhà trị giá 219.000 USD, hai ô tô mua từ năm 2000...

Tất nhiên, quyết định trên của Tổng thống Francois Hollande cũng đã vấp phải sự phản đối không ít từ chính những người trong cuộc. Âu đó cũng là điều dễ hiểu ! Được lòng dân chưa chắc đã được lòng quan. Như vậy, từ nay không chỉ 65 triệu người dân Pháp mà cả thế giới, bất kỳ ai cũng có thể biết một vị bộ trưởng của Pháp giàu hay nghèo, tài sản có gì đáng giá... chỉ bằng một cú nhấp chuột.

Ở Việt Nam ta, quy định về kê khai tài sản của cán bộ có chức quyền đã có từ lâu song chỉ được lưu trong hồ sơ cán bộ, chưa công khai. Có ý kiến cho rằng, số lượng người phải kê khai tài sản ở Việt Nam theo quy định hiện nay là quá nhiều, do vậy khó có thể kiểm tra giám sát hết được. Do vậy, ban đầu chỉ nên bắt buộc phải kê khai với một số lượng quan chức nhất định, chẳng hạn như 100 hay 1.000 cán bộ từ cấp nào đó trở lên.

Thiết nghĩ, cách giám sát tốt nhất là công khai bản kê khai tài sản để toàn dân được biết, cách làm với các Bộ trưởng của Pháp hiện nay chính là một ví dụ tham khảo. Vừa qua, thông tin về việc một cán bộ cấp phòng ở Hà Nội có tài sản tăng thêm hàng chục tỷ đồng đã ngay lập tức được công luận vào cuộc tìm hiểu. Vậy nên, nếu các vị quan chức cấp cao hơn mà công khai tài sản, chắc chắn sẽ được nhân dân và công luận hoan nghênh và tự tận tình giám sát.

Đề tài khoa học cấp bộ “Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn” của Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị phải nghiên cứu, xây dựng một đạo luật riêng về kiểm soát tài sản, thu nhập theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, dự kiến ban hành vào năm 2015.

Thiết nghĩ, thực hiện việc phải công khai tài sản cùng với Luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức chắc chắn sẽ là đòn chí tử đánh vào nạn tham nhũng - một thứ “giặc nội xâm” của đất nước. Kê khai mà chưa công khai chẳng khác gì tuyên chiến với tham nhũng mà chưa đánh?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG