Khi cán bộ 'ăn trước'

TP - “Mô hình thành công khi nhà máy xả thải ra, nếu kiểm tra không phát hiện chất độc hại thì sản phẩm an toàn. Lúc ấy chắc chắn tôi sẽ dùng và tự tin về sản phẩm đó”.

Nguyên văn trả lời trên báo Tiền Phong hôm qua của bà Lê Mỹ Ngọc – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang.

Giải thích từ ngữ trong chuyện này một chút: “Mô hình” là ý tưởng nuôi cá bè sát cạnh ống xả thải của nhà máy giấy Lee&Man ở khu vực sông Hậu huyện Châu Thành (Hậu Giang) nhằm mục đích giám sát môi trường từ nhà máy này thải ra. “Sản phẩm” ở đây tất nhiên là cá, còn “dùng” tức là ăn.

“Cán bộ ăn trước để dân tin chứ không phải mục đích của việc nuôi để phục vụ cán bộ, cũng giống như trường hợp ở miền Trung năm ngoái là để chứng minh cho nguồn nước sạch mà lãnh đạo tỉnh xuống biển tắm và ăn cá”, bà Chi cục trưởng Thủy sản giải thích thêm.

Trong khi đó, các hộ dân nuôi cá tại đây đã rủ nhau treo lồng vì sợ nước ô nhiễm cá chết thì đổ nợ. Ngay ở trên bờ bà con còn đang điêu đứng bởi khói bụi và mùi hôi thối bốc ra từ nhà máy đó thôi, tin sao nổi. Chỉ còn một hộ “dám” nuôi, nhưng không khẳng định có “dám ăn” cá mình nuôi hay không!?

Vừa thấy báo đăng chuyện một ông cựu Thứ trưởng ở Hà Nội mua cái nhà mà 3 năm chưa làm được sổ đỏ. Tất nhiên là cũng nhì nhằng trong chuyện mua bán tài sản nhà nước chi đấy, nhưng không phải cứ dao sắc là gọt được chuôi. Thử xem nếu là dân sẽ còn khó đến đâu.

Nhớ có vị đại biểu Quốc hội từng tâm sự, rằng khi khám sức khỏe cả đoàn thì các y bác sĩ rất “nhẹ nhàng, chu đáo”. Nhưng hôm sau có vị đại biểu Quốc hội tách đoàn tự cầm bảo hiểm y tế đến đó khám một mình giống như “người thường”, thì nhận được thái độ khác hẳn. Một dạo từng xôn xao chuyện ông Bí thư Thành ủy Hải Phòng khi đi xe qua phà bị nhân viên “vòi tiền” vì cứ nghĩ đó là… “dân”!

Thỉnh thoảng đọc đâu đó thấy cụm từ, rằng cán bộ phải “học làm dân”. Mới nghe vô lý, ô hay, cán bộ hay lãnh đạo gì thì trước hết và sau cùng cũng đều là dân, phải là dân chứ. Làm gì có bầu không khí dành riêng, đường sá dành riêng, luật pháp dành riêng cho quan! Nhưng rồi nhanh chóng ngộ ra một điều, đó là khoảng cách giữa cán bộ và dân còn xa vời quá.

Không phải khi nào cán bộ cũng phải “ăn mẫu, làm mẫu” để dân tin. Cũng không cần cán bộ lúc nào cũng chân lấm tay bùn nhễ nhại như “người thường”. Dân chỉ cần từ quyết sách lớn, đến quy định nhỏ, cho đến phê duyệt mỗi một dự án nào đó, người lãnh đạo trước khi hạ bút ký phải tự đặt chính mình vào vị trí của người dân. Như chính mình, gia đình, con cháu mình sẽ phải sống đời với cái nhà máy đấy, con đường ấy, luật lệ ấy, chứ không phải lâu lâu đến vi hành thị sát.

Được không?

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.