Khi chợ đen tạm đóng

Khi chợ đen tạm đóng
TP - Hai ngày nay, tâm điểm chú ý của không ít người dân, doanh nghiệp và cả các ngân hàng thương mại đều hướng vào trạng thái “đóng băng”, ngừng giao dịch ở các điểm thu đổi ngoại tệ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

> Xóa chợ đen USD

Một số thông tin cho biết Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với cơ quan an ninh tiến hành kiểm tra, giám sát hệ thống giao dịch thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến các đầu mối tạm ngừng giao dịch.

Dù cơ quan chức năng khẳng định việc thanh kiểm tra vẫn làm thường xuyên nhưng rõ ràng nếu quan sát vài năm trở lại đây, (sau những cơn sốt biến động trên thị trường ngoại tệ, và những kiến nghị triền miên đòi “siết” chợ đô la chui mà người ta quen gọi là chợ đen, cho đến lần này, mới thấy dường như sự ra tay của cơ quan chức năng đang khiến thị trường nể nang mà “chùn” lại.

Bình luận với Tiền Phong về việc thị trường chợ đen đóng cửa, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng động thái xử lý mạnh tay của cơ quan chức năng lần này chắc chắn sẽ có ít nhiều tác động tích cực. “Không có chợ đô la chui sẽ không có mua bán hai giá, hay đô la không bị “chạy” qua nhiều khâu trung gian, đó là lợi ích rất lớn cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay”- Ông nói.

Tuy nhiên, cũng tỏ ý quan ngại nếu các điểm thu đổi ngoại tệ bị “đóng” hoàn toàn thì với nhu cầu cần ngoại tệ của người dân hiện nay (như: đem tiền đi du lịch, đóng tiền khám chữa bệnh hay trả học phí cho con tại nước ngoài) thì thay vì cầm VND ra mua và có ngay lập tức (bao nhiêu cũng đáp ứng) của tại các điểm bên ngoài, giờ, họ phải làm một loạt thủ tục để chứng minh, đồng thời chờ đợi sự chấp thuận từ phía ngân hàng.

“Với quan điểm là vẫn chia sẻ, chúng tôi có thể đáp ứng phần nào nhu cầu của khách hàng quen. Nhưng với những ngân hàng có lượng khách giao dịch ngoại tệ đông, tôi nghĩ ít nhiều cũng có khó khăn hơn” - Ông cho biết.

Nêu quan điểm cá nhân, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng các giải pháp đồng bộ, việc hạn chế giao dịch ngoại tệ tự do, quản lý thị trường ngoại hối là một trong những biện pháp được Chính phủ ban hành trong Nghị quyết 11/NQ-CP về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Nói về ảnh hưởng của việc thị trường tự do bất ngờ ngừng giao dịch, ông Kiêm cho hay, trước đây, đối tượng nào cũng có thể mua, bán ngoại tệ được, thì nay có thể sẽ tạm thời gặp khó khăn nhưng chỉ là trước mắt. Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp giải quyết nhanh chóng, ông bày tỏ.

Cho đến lúc này, các chuyên gia ngân hàng đều đồng tình: việc dừng các đại lý thu đổi ngoại tệ có hay không cần được xem xét một cách nghiêm túc. Không thể phủ nhận, nếu hoạt động đúng theo quy định, các điểm thu đổi ngoại tệ sẽ phát huy tác dụng, bởi họ đã thực sự giúp các ngân hàng thu gom (thông qua việc hưởng một mức phí cũng như chịu một định mức thu đổi) và đem lại một nguồn ngoại tệ lớn để ngân hàng cung cấp cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Bản chất của vấn đề vẫn là giới đầu cơ, cũng như nhiều điểm thu đổi, đã lợi dụng tâm lý e ngại của người dân để đồn thổi, tạo ra sự chênh lệch hai giá, hay khan hiếm giả trên thị trường, dẫn đến những cơn sốt ngoại tệ không đáng có.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.