Khi con người đào thoát

TP - Một chiếc xe tải đông lạnh bị bỏ lại trên đường biên giới vào nước Áo, vừa được phát hiện bên trong có tới 71 xác người chết ngạt, gồm cả phụ nữ, trẻ em đang chất chồng lên nhau thối rữa. Đó là số phận của những người dân Syria trong hành trình trốn chạy khỏi đất nước mình. Cùng lúc, tàu chở gần 500 người từ Phi châu di tản sang châu Âu bị chìm ngoài khơi Lybia, khiến ít nhất 200 người thiệt mạng…

Thế giới đang kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít, chấm dứt chiến tranh thế giới lần thứ 2. Tuy nhiên, làn sóng người đào thoát khỏi các quốc gia đang nội chiến, bạo lực, nghèo đói dâng cao hơn lúc nào hết, được coi là khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau các cuộc thế chiến. 

Theo Tổ chức di cư quốc tế, từ đầu năm đến nay đã có hơn 2.300 người di cư thiệt mạng trong tổng số 300.000 người vượt Địa Trung Hải trốn sang châu Âu, cao gấp 300 lần so với cùng kỳ năm ngoài. 

Các quốc gia châu Âu bối rối trước làn sóng hàng triệu người ùa đến từ mọi ngả. Nước Đức đau đầu với 800.000 người di cư trong năm nay, mà nhiều khả năng họ phải tiếp nhận. Đến nỗi EU dự định mở các chiến dịch quân sự chặn các tàu chở người tị nạn, nhưng không được Liên Hiệp Quốc thông qua.

Với các nước, người nhập cư trở thành vấn đề an ninh, chứ không phải vì nhân đạo. Cho dù Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon mới đây tha thiết kêu gọi đây “không phải chỉ là vấn đề của pháp luật quốc tế, mà còn là nhiệm vụ của con người”.

Con người sống trên một hành tinh vốn đã không công bằng, nay miếng bánh của hàng tỷ người tại nhiều quốc gia càng trở nên teo tóp bởi nạn tham nhũng, thiên tai, mạng sống luôn bị cướp đi bất cứ lúc bởi bạo lực… Họ buộc phải đào thoát khỏi xứ sở bằng mọi giá.

Tỷ phú người Trung Quốc Jack Ma thừa nhận trên thế gian này, điều  công bằng duy nhất dành cho mọi người, đó là ai cũng có đủ 24 tiếng mỗi ngày. 

Thế nhưng trong một cuộc nói chuyện mới đây, không biết có “lãng mạn” thật không, ông này cho rằng “giữa những người công nhân lên thành phố làm thuê với một doanh nhân điều hành công ty tỷ đô la, chẳng có gì khác biệt. 

Chỉ đơn giản là mỗi người chọn cho mình những con đường đi khác nhau mà thôi. Điều quan trọng là ai cũng vui và cảm thấy hài lòng với những gì mình đang làm. Đôi khi hạnh phúc rất dễ kiếm tìm”! 

Thân phận những nông dân đào thoát khỏi làng quê lên thành phố làm thuê kiếm cơm có nên được so sánh với những vị CEO bóng lộn, sang trọng kia không?

Những người buộc phải rời nơi chôn nhau cắt rốn đi làm thuê xứ người, hạnh phúc ngang bằng với những ông chủ? Phép “thắng lợi tinh thần” kiểu A.Q Trung Quốc dành cho ai nữa đây?

Những người Syria chết ngạt trên chuyến xe bất hạnh, làm nhớ tới bức hình bé gái 4 tuổi cũng người Syria trong trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, hốt hoảng giơ hai tay… đầu hàng chiếc máy ảnh trong tay một nhiếp ảnh gia mà em tưởng người ta đang chĩa súng vào mình. Biểu tượng xót xa cho nỗi ám ảnh về tội ác giữa những con người… 

MỚI - NÓNG