Khi lãnh đạo được dân chúc “cố lên”!

Ông Nguyễn Bá Thanh trong một lần trực tiếp thị sát để giải quyết các bức xúc của cử tri quận Hải Châu (Đà Nẵng). Ảnh: PLO
Ông Nguyễn Bá Thanh trong một lần trực tiếp thị sát để giải quyết các bức xúc của cử tri quận Hải Châu (Đà Nẵng). Ảnh: PLO
TP - Tuần qua, thu hút dư luận nhiều nhất có lẽ là sự kiện ông Nguyễn Bá Thanh mắc bệnh hiểm nghèo được đưa về nước sau thời gian điều trị ở nước ngoài. Trong đêm đông lạnh, đông đảo người dân tập trung chờ đón người lãnh đạo của mình - một hình ảnh chưa từng thấy ở Đà Nẵng, và cũng quá hiếm hoi trên bình diện cả nước từ trước đến nay.

Trước cổng bệnh viện, người dân đứng kín hai bên đường, và cả trên các ban công nhà tầng, không ai bảo ai đồng loạt vỗ tay hô to khi xe chở ông đi qua: “Bác Thanh cố lên !”. Ở một quán cà phê trên đường Hải Hồ, từ trước ngày ông về, các bạn trẻ đã tổ chức gấp hạc giấy và hướng dẫn khách cùng gấp hạc, ghi trong đó lời cầu chúc sức khỏe cho ông. Chương trình kéo dài trong 5 ngày tới, đến nay hàng ngàn con hạc giấy nhiều màu sắc đã hoàn thành. Nhạc sĩ Câu lạc bộ sáng tác trẻ thành phố thức trắng đêm sáng tác ca khúc về ông…

Trọn cuộc đời công tác, ông Thanh gắn bó với Đà Nẵng quê hương, trong đó 16 năm liền là chủ tịch, rồi bí thư từ khi thành phố còn trực thuộc tỉnh cũ Quảng Nam – Đà Nẵng. Với bất cứ ai, “bám rễ” thế cũng là quá dài, quá lâu, dễ cạn kiệt nhiệt huyết, ý tưởng, gây nhàm chán đối với đội ngũ cán bộ thuộc cấp và cả người dân. Thế nhưng kỳ lạ, với ông Thanh, đến phút chót vẫn là nguồn cảm hứng mạnh đem đến tinh thần năng động, nhiệt tình và sáng tạo cho cấp dưới, cho lớp trẻ. Vẫn luôn là hình ảnh đầy hứng khởi bất ngờ, và hấp dẫn trong mắt người dân. Từ những cuộc nói chuyện, gặp mặt đối thoại, ban hành chính sách, đến quần đùi áo cộc trên sân bóng, và ngẫu hứng những ván cờ bệt trên vỉa hè với dân trong ít phút rảnh rỗi. Sức hút mà ông tạo ra vẫn nguyên như vậy, khi ra làm Trưởng ban Nội chính trung ương. 

Có vị đại biểu Quốc hội đưa ra quan điểm, rằng bộ trưởng không nên “chạy ra đường” nhiều, mà ở nhà nghĩ ra phương cách, cơ chế điều hành ngành mình thì tốt hơn. Có lẽ vì thế nên bây giờ nhiều ông lãnh đạo từ địa phương đến bộ ngành, cả năm dân chẳng nhìn thấy mặt. Nhiều vị theo dõi trên báo đài trung ương lẫn địa phương cả tháng cả quý không thấy ỏ e câu nào, dù dưới cơ sở dân đang có những vấn đề bức xúc cần lãnh đạo ra mặt,  chỉ đạo giải quyết. Chắc những ông quan này đang ngồi trong phòng lạnh “ủ mưu” tìm sáng kiến quản lý điều hành, thế nhưng địa phương và ngành vẫn cứ ỳ ạch tụt hậu, những tồn tại bức xúc xã hội vẫn nóng bỏng.  

“Phải tu mấy kiếp mới thành thường dân”. Có câu minh triết như vậy.

Thật hạnh phúc với một ông quan trong phút nguy nan của cuộc đời mà được dân xếp hàng đồng thanh chúc “cố lên”. Một liều thuốc lòng dân được chiết xuất từ tình thương yêu, sự quý trọng, mà không phải cứ quyền cao chức trọng, tiền bạc đầy mình là có được. 

MỚI - NÓNG