Khi ông Thứ trưởng tạm “cởi áo quan trường”

Khi ông Thứ trưởng tạm “cởi áo quan trường”
Hoan hô ông Thứ trưởng đã dám “tạm rời... ngai” ở cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai để có thể nói lên một kiến nghị có lợi cho người dân! 

Ông Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường do đi chỉ đạo đoàn tổng kiểm tra 1 năm thực hiện Luật Đất đai ở phía Nam, đã gửi thư riêng đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An kiến nghị việc cần “kiên trì một giấy” trong cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà (GCN) cho người dân.

Ông Võ cho rằng việc thiết kế GCN theo Luật Đất đai 2003 là phù hợp với lý luận và thực tiễn, xử lý được từng loại tài sản gắn liền với đất, giải quyết được cả trường hợp tài sản gắn với đất thuê và tài sản gắn với quyền sử dụng đất chung (như nhà chung cư), người dân chỉ cần làm thủ tục một GCN, tiết kiệm kinh phí in giấy và tạo điều kiện để cải cách thủ tục hành chính ở địa phương.

Việc thay đổi về loại giấy sẽ có tác động tâm lý rất lớn đối với người dân và nhà đầu tư...  Điều gây ngạc nhiên nhất ở đây là ông Đặng Hùng Võ nói rõ kiến nghị được đưa ra  “với tư cách hoàn toàn cá nhân một nhà khoa học (GS-TS khoa học), không  liên quan gì đến cương vị quản lý (Thứ trưởng), không có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường”. 

Hành động này nên hiểu như thế nào trong bối cảnh cả người dân lẫn cơ quan quyền lực cao nhất đang thực sự bức xúc về chuyện cấp một hay hai GCN quyền sử dụng đất và tài sản hiện vẫn cứ lùng bùng giữa những đề xuất của các ngành chức năng?

Mới đây, trong phiên họp của đại biểu Quốc hội chuyên trách cuối tuần trước,  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã nói một cách bức xúc rằng: “Ăn cơm của dân, đi xe của dân mà gây phiền hà cho dân thì không thể chấp nhận được”.

Đó là lời phê phán rất nghiêm khắc của người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đối với những phiền hà người dân phải gánh chịu, do các ngành chức năng “kênh” nhau trong việc quản lý cấp GCN.

Lâu nay, vốn dĩ ngành nào cũng cho là mình làm đúng, phù hợp với thực tế và ngành nào cũng cho là việc làm của mình... có tính khoa học.

Nhưng trên thực tế một chính sách đưa ra mà làm lợi cho dân, cho nền kinh tế, từ đó thúc đẩy sự phát triển xã hội thì đó mới là chính sách có tính khoa học nhất. Còn đưa ra cơ sở giải thích cách gì đi nữa mà cứ dành thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước lại đẩy khó khăn về phía người  dân thì không thể coi là có tính khoa học được.

Luật do Nhà nước xây dựng để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, quy định pháp lý cho mọi người chấp hành. Mà thực tiễn thì vận động và biến đổi liên tục. Vấn đề là khi thấy luật bất hợp lý so với thực tế thì trách nhiệm của người lãnh đạo quản lý là phải đề xuất để điều chỉnh, sửa đổi.

Bởi vậy, việc ông Võ tạm “cởi chiếc áo quan trường” để kiến  nghị với tư cách nhà khoa học về  xử lý vấn đề cấp GCN đối với đất và tài sản trên đất “theo một hệ thống thống nhất, tiếp tục những gì đã nhất trí trong Luật đất đai 2003, cái gì đúng thì tiếp tục duy trì, cái gì sai thì phải sửa... và  khẳng định cần kiên trì quan điểm một giấy”  đã nói ở trên, thì dù với cách hiểu của người khó tính nhất nào cũng phải hoan hô.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.