Khi tiền tồn kho

Khi tiền tồn kho
TP - Bước sang ngày thứ ba thông tư số 17 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, lãi suất huy động trên toàn hệ thống ngân hàng đã về mức 11%/năm.

> Công ty tài chính có thể 'kết hôn' với ngân hàng

Lần này không để dư luận phải chờ đợi lâu, rất nhiều ngân hàng “tắp lự” giảm 1% lãi suất cho vay. Lý do giảm được đại diện các ngân hàng lý giải: Thanh khoản dồi dào, lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, lãi suất thị trường mở OMO (giấy tờ có giá) cũng giảm sâu.

Tiền đang thừa và chỉ có cách hạ lãi suất xuống một mặt bằng thấp hơn cho doanh nghiệp “hấp thụ”.

Không chỉ xuống trần cho vay 14%/năm như Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, một mặt bằng lãi suất vay từ 12,5- 13,5%/năm đã được thiết lập. Thậm chí có ngân hàng còn khẳng định có lãi suất vay còn giảm tiếp.

Nhưng “nguồn cơn” sâu xa mà đến lúc này các ngân hàng không e ngại “ngả bài”: Thanh khoản đang dồi dào, huy động tiền gửi vẫn tăng đều, trong khi “đầu ra” gần như tắc.

Tệ hơn, đã nửa năm 2012 trôi qua mà tại một số ngân hàng, tăng trưởng tín dụng chỉ xoay quanh 0%. Điều này cũng đồng nghĩa gần như không một món vay mới nào được giải ngân.

Và hạ lãi suất, tìm kiếm khách hàng cho vay để “tiền không tồn kho” và “mỡ nó rán nó” là giải pháp không thể tốt hơn qua đó ngân hàng cứu doanh nghiệp và tự cứu mình.

Tại phiên họp Chính phủ cuối tháng 5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt lộ trình giảm lãi suất, xử lý tốt nợ xấu… quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế. Với dự báo lạm phát năm nay ở mức trên dưới 7%, ông Bình tự tin từ nay đến cuối năm, hoàn toàn có cơ sở để giảm tiếp lãi suất.

CEO một ngân hàng thừa nhận: Ngân hàng thà giảm lợi nhuận vì doanh nghiệp “sống” thì ngân hàng còn, chứ “chết” thì ngân hàng sống với ai?

Đã đến lúc ngân hàng nhìn ra việc chia sẻ lợi ích, cùng thắng (win-win) sẽ tạo thế phát triển bền vững của cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG