Khi văn bản dưới luật “đá” luật

Khi văn bản dưới luật “đá” luật
Vẫn còn nhiều văn bản dưới luật trái luật, thậm chí có thông tư đi ngược lại hiến pháp - đó là thông tin được đưa ra tại phiên họp hôm thứ bảy tuần vừa rồi của UB Thường vụ Quốc hội về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

UB Pháp luật của Quốc hội dẫn chứng:

Thông tư  02 ngày 13/1/2003 của Bộ Công an về hướng dẫn cấp đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới có quy định “Mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe môtô hoặc xe gắn máy”.

Cơ quan ra văn bản dưới luật này (Thông tư về giá trị pháp lý còn thấp dưới cả Nghị định) dường như không đối chiếu với hệ thống pháp luật hiện hành nên dẫn đến việc nó “đá” nhau với Bộ luật Dân sự (tài khoản 1, điều 221 của Bộ luật Dân sự thì  tài sản hợp pháp thuộc sở hữu tư nhân không bị hạn chế về số lượng, giá trị). 

Thậm chí, quy định của Thông tư 02 còn vi hiến  khi   đã hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân, quyền cơ bản của công dân đã được quy định tại điều 58 Hiến pháp năm 1992!

Cái sự văn bản dưới luật “đá” luật nói trên đã dẫn đến điều gì? Trên thực tế, quy định ở Thông tư 02 đã gián tiếp tạo ra những thủ tục nhiêu khê, gây khó khăn trong các giao dịch mua bán xe máy, buộc người mua xe máy phải chi thêm những khoản tiền vô lý.

Hiện người ta vẫn sắm kìn kìn xe thứ hai, thứ ba khi chi thêm từ 3-6 triệu đồng (tùy mác xe máy) cho việc mua “suất đăng ký” dưới tên người khác. Có điều khoản tiền chi thêm ấy chủ yếu vào tay hệ thống môi giới, chứ không phải người “bán suất đăng ký”, càng không vào “kho ngân sách” vì mua bán trao tay không cần nộp trước bạ, sang tên. 

Và thế là mục đích giảm số lượng xe để tiến tới giảm dần số vụ tai nạn giao thông, khắc phục được tình trạng ùn tắc  cũng không thực hiện được.

Đó chỉ là một ví dụ điển hình. Theo số liệu tổng hợp bước đầu, từ tháng 11/2003 đến tháng 5/2005, các bộ, ngành đã rà soát, kiểm tra và  phát hiện có trên 400 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Trong đó, văn bản có nội dung trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên, sai thẩm quyền cần hủy, bãi bỏ lên tới 4-5%.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu, đây là “căn bệnh” xảy ra tương đối lâu rồi và cho đến giờ vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền, mọi tổ chức, cá nhân đều hoạt động trên cơ sở tuân theo Hiến pháp và pháp luật.

Hiến pháp là văn bản pháp luật nền tảng và có giá trị cao nhất. Mọi văn bản pháp luật không được trái Hiến pháp. Các văn bản pháp luật cấp dưới không được trái với các văn bản pháp luật cấp trên. Những điều cơ bản này dường như công chức nào cũng đã nghe, đã hiểu và buộc phải nhớ.

Thế nhưng chuyện văn bản dưới luật “đá” luật, thậm chí  trái Hiến pháp vẫn tiếp tục xảy ra. Điều đó vừa  ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, vừa vô tình tạo “điều kiện” để  nhiều kẻ xấu lợi dụng để vừa hành dân lại vừa kiếm được bộn tiền. Bởi  vậy, phải mau mau rà soát, bãi bỏ hết những văn bản dưới luật “đá” luật.   

MỚI - NÓNG