Khó hiểu

Khó hiểu
Con số có hơn 4,5 vạn người lao động (NLĐ) Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại Angola chắc chắn sẽ khiến lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH phải giật mình.

> Bơ vơ 4,5 vạn người Việt tại Angola
> Người Việt mưu sinh ở Angola: Giàu sang & nước mắt
> Cả ngàn người Việt lao động 'chui' ở Angola

Không giật mình sao được khi mỗi ngày NLĐ tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn kéo nhau sang Angola làm việc, bất chấp Bộ này chưa cấp phép cho một tổ chức hay cá nhân nào tuyển dụng.

Câu hỏi đặt ra là vì sao Bộ LĐ-TB&XH đến nay vẫn chưa cấp phép cho NLĐ sang Angola làm việc khi mà trong suốt gần 20 năm qua, người ta vẫn tìm cách sang quốc gia châu Phi này.

Vì sao vậy? Có lẽ vì Angola có thể giúp cuộc đời của nhiều NLĐ sang trang, trở nên giàu có nên mới có ma lực đến thế. Thực tế cho thấy, đã có hẳn một thế hệ ông chủ người Việt hiện đang kinh doanh buôn bán, làm ăn nổi đình nổi đám tại Angola.

Họ trở thành những tỷ phú trên đất Phi bằng trí tuệ, mồ hôi và nước mắt. Họ không những tự tạo công ăn việc làm cho bản thân mà còn giúp nhiều NLĐ Việt Nam và người dân Angola có việc làm thu nhập cao.

Với mức lương trung bình từ 1.000-1.500 USD/tháng, chắc chắn vẫn là giấc mơ của nhiều NLĐ Việt Nam. Do đó, dù Bộ LĐ-TB&XH chưa cấp phép, họ cũng sẽ vẫn bằng mọi cách để sang Angola làm việc, dù biết rủi ro pháp lý đang bủa vây mình.

Dư luận băn khoăn là tại sao bao nhiêu năm trôi qua mà Bộ LĐ-TB&XH vẫn chưa nghiên cứu, khảo sát, rồi tiến hành đàm phán với Chính phủ Angola để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ. Đáng ra, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH phải sớm nhận biết nhu cầu NLĐ đi Angola là chính đáng, để tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp nhằm thỏa “cơn khát Angola” cho NLĐ.

Nhiều lao động tâm sự rằng, vì đi bằng đường tiểu ngạch nên lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị lực lượng chức năng Angola bắt giữ, lo bị phạt và bị trục xuất về nước. Vì thế, ước mong của nhiều NLĐ là Bộ LĐ-TB&XH sớm cấp phép, có các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn rủi ro cho NLĐ, để NLĐ Việt Nam tránh phải tủi hổ vì phải sống và làm việc chui lủi ở Angola như hiện nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG