Khoảng trống... trách nhiệm

Khoảng trống... trách nhiệm
Điều khác nhau giữa những người dễ dàng từ bỏ cuộc sống với những người không thể là gì? Trách nhiệm, gồm trách nhiệm gia đình và trách nhiệm xã hội.

Vụ con gái út của một tỷ phú người Hàn Quốc vừa treo cổ tự tử ở Mỹ gợi lên nhiều suy nghĩ. Cô đang sở hữu số cổ phiếu 191 triệu USD, sang Mỹ học đại học thuê căn hộ sang trọng, có tài xế riêng.

26 tuổi, thông minh, xinh đẹp, được cưng chiều trong gia đình giữ nền nếp truyền thống dân tộc, chỉ có điều không vừa ý duy nhất: Cô bị gia đình phản đối khi xin kết hôn với một chàng trai không môn đăng hộ đối.

Nhưng nếu chỉ vì lý do này thì một câu hỏi thật day dứt: Sao có thể từ bỏ cuộc sống dễ dàng như thế?

Ở Việt Nam thời gian gần đây, không ít chàng trai cô gái cũng dễ dàng từ bỏ cuộc sống vì những lý do không lớn, nhiều người là con cái của những gia đình khá giả.

Trong lúc đó cũng ở nước ta có rất nhiều người đang quyết liệt sống ngay cả lúc tưởng chừng không thể sống. Đó là những người gặp tai họa, bị tật nguyền... cuộc sống như đã ở đáy xã hội, nhiều lúc đã nghĩ đến cái chết để giải thoát song họ vẫn kiên cường sống.

Điều khác nhau giữa những người dễ dàng từ bỏ cuộc sống với những người không thể là gì? Trách nhiệm, gồm trách nhiệm gia đình và trách nhiệm xã hội.

Những người không thể chết dù cuộc sống đã khốn cùng là những người thấy cuộc sống của họ còn cần thiết cho những người thân bên cạnh: Cha mẹ, con cái, anh em hoặc thậm chí hàng xóm, bạn bè...

Trách nhiệm với người thân khiến họ phải sống, cố gắng sống và cuộc sống vì người khác như thế rất nặng nề, khổ sở song cũng có hạnh phúc vô bờ bến. Niềm vui sống của mỗi cuộc đời chính là sự quan tâm tới người khác ở trách nhiệm chứ không ở chỗ hưởng thụ.

Nhưng trách nhiệm do đâu mà có? Trong nền kinh tế thị trường, cái gì cũng có thể mua được, từ việc làm, sắc đẹp đến chức vụ song trách nhiệm thì không thể mua.

Có quyền lực cũng chưa hẳn có trách nhiệm bởi vài người làm quan không vì dân thì không khác gì kẻ cắp. Trách nhiệm lại không di truyền như dòng máu mà phải rèn luyện mới có như đức hạnh.

Trách nhiệm ở mỗi con người là kết quả của quá trình giáo dục và tự giáo dục thường xuyên như muốn có tiếng thơm phải liên tục làm việc tốt. Một con người luôn luôn đề cao trách nhiệm gia đình, trách nhiệm xã hội thì cuộc sống là cả quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi và đầy hứng thú.

Cho nên cuộc sống không phải lo toan, phấn đấu cũng không hoàn toàn dễ dàng. Cuộc sống chỉ thấy vật chất thì đến một lúc nào đó vật chất sẽ làm con người mệt mỏi và vật chất không cứu được tinh thần.

Nên người mau giàu, nhất là mau giàu mà ít tốn công cần cảnh giác về một khoảng trống trong bản thân hoặc con cái: Khoảng trống trách nhiệm. 

MỚI - NÓNG