Không cần hô hào

Không cần hô hào
TP - Một nhân viên điện lực một tỉnh thuộc ĐBSCL, nơi chất lượng đào tạo được cho là thấp nhất nhì nước từng kể rằng, có lần tình cờ truy cập được vào “cơ sở dữ liệu học vấn” của cơ quan.

>> 2 triệu đồng/chứng chỉ giả

Anh đã vô cùng ngạc nhiên vì số lượng bằng đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học… của đồng nghiệp. “Tự nhiên, tôi thấy mình như thằng ngu giữa một biển những nhà thông thái”, anh viết.

Nhu cầu về bằng cấp để có thể hợp thức hóa, đủ điều kiện thi vào công chức viên chức như các tỉnh thành phố làm nảy sinh tiêu cực trong thi cử, dùng bằng giả hay học giả lấy bằng thật là chuyện cả xã hội đã nói đi nói lại hàng chục năm nay, nhưng cho đến bây giờ, vấn đề nghe cũ mèm ấy vẫn là chuyện thời sự.

Nói cho công bằng, khi tuyển người, nhà tuyển dụng tất nhiên phải dựa vào một vài tiêu chí nhất định để xét đoán ứng cử viên và tiêu chí dễ thấy nhất, đơn giản và phổ thông nhất là dựa vào bằng cấp của ứng viên. Nói không với bằng cấp cũng không đúng.

Tuy vậy, có thể gọi là “nói như sách”, nhưng vẫn còn đó bao nhiêu phương cách thẩm định năng lực của ứng viên, ngoài việc căn cứ vào bằng cấp. Lĩnh ấn tiên phong trong việc “nói không” với bằng giả, hay một hình thức “giả” khác tinh vi hơn, học giả lấy bằng thật, chắc chắn phải là các cơ quan nhà nước.

Không cần làm điều tra xã hội học cũng rõ, môi trường hành chính - nhà nước chính là nơi “dung dưỡng” nạn sính bằng cấp, học giả lấy bằng thật vì môi trường đó mới gắn với các đặc quyền, đặc lợi.

Tôi dám chắc rất ít các sở ngoài quốc doanh phải than phiền về nạn bằng cấp giả, có chăng họ chỉ kêu ca chất lượng đào tạo, trình độ của người lao động chưa gắn với thực tiễn, chưa tương xứng với những gì ghi trên mảnh bằng nên lắm khi khiến doanh nghiệp mất thêm thời gian thẩm định, chọn lựa mà thôi. Với cơ chế tự chủ, tự thu tự chi, các cơ sở ngoài quốc doanh chẳng dại gì mà tin vào những tấm bằng đỏ chói trước khi thẩm định xong năng lực của ứng viên.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan công quyền, hành chính- nhà nước đi đầu trong đổi mới công tác tuyển dụng mới là hợp lẽ. Cách đây ba năm, việc Bộ Giáo dục- Đào tạo tiên phong mở cuộc thi “kén chọn” nhân tài cho vị trí thứ trưởng đã được không ít người cho là điểm nhấn đáng chú ý, dù xung quanh khâu thủ tục, cách tuyển vẫn còn không ít lời ra tiếng vào.

Mới đây, hồi cuối tháng 3, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan của thành phố xúc tiến thực hiện thi tuyển rộng rãi đối với các vị trí lãnh đạo cấp sở, huyện, hiệu trưởng, hiệu phó… ngay trong năm 2011. Mỗi vị trí phải có ít nhất 3 ứng viên. Trong 4 năm qua, Đà Nẵng đã tuyển ít nhất 68 người cho các vị trí lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển.

Những hoạt động thí điểm này được nhân rộng, quy chuẩn, sẽ là gợi mở tốt trong công tác tuyển dụng nhân sự. Khi đã thi cử công khai, có nhiều ứng viên để lựa chọn, quy trình chặt chẽ, các ứng viên phải có chương trình hành động cụ thể… thì lúc ấy, năng lực thực sự của ứng viên mới là yếu tố quyết định và vai trò của những tấm bằng đương nhiên trở thành thứ yếu. Nếu làm được vậy, chẳng cần hô hào to tát, nạn bằng giả hay học giả lấy bằng thật chắc chắn sẽ không còn nhức nhối như hiện nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG