Không chỉ là vỉa hè

Vỉa hè đường Lê Lợi, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Zing
Vỉa hè đường Lê Lợi, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Zing
TP - Lại một từ khóa nghìn tỷ tại TPHCM được cư dân mạng sốt dẻo bàn bình.

Chưa nguội chuyện 1.400 tỷ đồng để mua xe hút nước chống ngập. Bao ý kiến phản biện đưa ra mà âm hưởng của nó là tính không khả thi của dự án khi hạ tầng đô thị đang có nhiều vấn đề phải bàn,phải xử lý, khi ngân sách nhà nước đang eo hẹp, phải chắt chiu từng đồng cho quốc kế dân sinh.

Những lối ví von như dùng Rolls-Royce siêu sang để xử lí úng ngập cục bộ và khi hết mùa mưa, 8 tháng sau nằm đắp chiếu, phơi sương…Và rồi “ý tưởng đột phá” chống ngập đó đang nằm trong kế hoạch sẽ đề xuất.

Từ khóa nghìn tỷ lần này lại bàn đến việc lát đá hoa cương cho vỉa hè. Mới chỉ “tút tát chỉnh trang” cho bộ mặt một quận thôi thì nó đã ngốn ngót nghét nghìn tỷ đồng.

Lại rộ lên những ý kiến phản biện rằng, dẫu là thành phố đầu tàu kinh tế, có tốc độ phát triển cao nhất cả nước, có GDP đầu người thuộc top “sánh ngang với nhiều nước” phát triển trong khu vực, nhưng vẫn còn đó những thân phận nghèo khó, những khu ổ chuột, những tòa chung cư chờ sập, những con hẻm tối tăm, những ốc đảo biệt lập, cùng với nó là những vấn nạn cháy nổ, trộm cướp, thực phẩm bẩn, nước sạch khan hiếm bủa vây, rình rập… Nghìn tỷ kia sẽ làm cho trăm tuyến phố bỗng trở nên long lanh hào nhoáng. Có thể lắm với diện mạo một quận vốn có tiếng là quận nhà giàu sẽ lóe sáng danh “hòn ngọc” một thời. Nhưng giữa bao sự bất cập của hạ tầng, sự xuống cấp của văn hóa giao thông, văn minh đô thị, sự bát nháo mạnh ai nấy giành không gian vỉa hè, sự quản lí chồng chéo của các “ông” điện, nước, cáp quang, đường ngầm, đường nổi, thì việc khoác lên cho vỉa hè thành phố một tấm áo đắt tiền bóng loáng ấy đã là việc nên và cần, và nhất thiết phải làm?

Ai sẽ là người được hưởng lợi khi vỉa hè khoác áo hoa cương lúc mưa trơn, nước ngập? Ai sẽ “ đã con mắt” để nhìn ngắm nó khi nhốn nháo hàng quán lấn chiếm hết vỉa hè? Và tệ “chó chạy rong, người tè bậy” có giảm bởi những tấm đá hoa cương?

Câu các cụ dạy: Y phục phải xứng kỳ đức! Ngoảnh nhìn Âu, Á mới vỡ ra một điều rằng, phàm cái gì chân chất, thân gần, giản dị thì mãi gần gũi, thân thương, tồn tại với thời gian.

MỚI - NÓNG