Không có phí đâu đấy!

Không có phí đâu đấy!
TP - Đó là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo.

Mặc dù được xem là một loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, song hầu hết trang thiết bị y tế hiện nay lại chưa được định kỳ kiểm chuẩn, bảo dưỡng và sửa chữa. 

Thậm chí, dù có hàng ngàn loại trang thiết bị y tế, nhưng điều đáng giật mình là chỉ có khoảng 20 loại được kiểm tra, kiểm định hàng năm. Ngay cả việc quản lý cấp giấy phép nhập khẩu cũng chỉ được thực hiện đối với 50 chủng loại trang thiết bị y tế.

Có lẽ vì thế mà không thể tránh khỏi tình trạng nhập máy cũ đã qua sử dụng, chất lượng không tốt như nhìn nhận của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Không chỉ mất thời gian chụp rất lâu, mà có khi còn khiến các bác sĩ “đọc” ra những kết quả khác nhau. 

Mất tiền, song người bệnh có khi càng hoang mang hơn, bởi vậy, việc kinh doanh trang thiết bị y tế kém chất lượng có thể xem như một tội ác. Chính bởi thực trạng này, có ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị ngành y tế “phải quản chặt điều này cho dân nhờ”. 

Đâu chỉ về chất lượng, không ít những ý kiến còn lo ngại đến các loại phí phát sinh, đổ lên đầu người bệnh. Theo Nghị định quản lý trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã đưa ra đề nghị thu với nhiều loại phí, lệ phí, trong đó có Lệ phí công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế, công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế, phí cấp mới, cấp lại, gia hạn số lưu hành, rồi phí thẩm định cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn...

Lo ngại các loại phí cộng dồn, làm tăng giá thiết bị y tế, rồi cuối cùng đổ lên đầu người bệnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa phải yêu cầu “không được tính phí” khi Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế ra đời. Điều này được đúc rút từ bài học quản lý giá thuốc trước đây, khi chỉ có mấy đơn vị được nhập khẩu, giá thuốc tăng lên, nhưng khi “mở” ra giá thuốc lại xuống.

Để tránh tình trạng thiết bị y tế không sản xuất được cũng không nhập khẩu, lưu hành được, giải pháp tối ưu cho việc này, nhiều ý kiến đề nghị, phải coi đây là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Ai đủ điều kiện thì được làm, không đủ điều kiện thì xử lý, đóng cửa, nhưng không thể cứ đụng một cái là phải xin giấy phép, đụng một cái phải nộp phí, để rồi hậu quả cuối cùng người dân phải gánh chịu.

MỚI - NÓNG