Không đổ cho TPP

Không đổ cho TPP
TP - Hóa ra làn sóng dệt may Trung Quốc (TQ) đổ xô đến Việt Nam (VN) để đón đầu lợi thế có được từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là có thật.

TPP hầu như không thành hiện thực nhưng một trong những dự án nằm trong làn sóng ấy vừa sinh chuyện đã thành hiện thực.

Đấy là một doanh nghiệp dệt nhuộm TQ mới chân ướt chân ráo làm ăn ở Hải Dương bị phạt vạ gần 700 triệu đồng do cái gọi là “sự cố môi trường” ngay sau Tết Nguyên đán.

Tập đoàn Crystal có trụ sở ở Hồng Kông được cấp 70 ha trong Khu Công nghiệp (KCN) Lai Vu thuộc Hải Dương cách đây bốn năm. Họ hứa đầu tư 542 triệu USD để thực hiện hầu hết các công đoạn chính cho ngành dệt may mà VN đang rất thích. Tổ hợp dệt may lớn nhất VN này thuộc lĩnh vực coi như mặc định ít gây bẩn hơn so với công nghiệp nặng. Ba chữ “công nghiệp nhẹ” là bảo bối để một dự án sớm cập bến VN, nơi đang hứng nhiều quả đắng ô nhiễm và hình như vẫn chưa thấy thấm.

Trả lời chất vấn chiều 20/8/2013 tại phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Tài nguyên&Môi trường (TN&MT) Nguyễn Minh Quang lúc ấy khoe dự án sẽ tạo việc làm cho 6.000 lao động. Nay, tổ hợp công nghiệp bảo là “nhẹ” ấy dự kiến mỗi năm xài 600.000 tấn hóa chất, gấp ba lần so với nhu cầu của một Formosa Đài Loan (Trung Quốc) gây sự cố biển chưa từng có ở VN tháng tư năm ngoái, chưa kể hàng trăm nghìn tấn than và dầu DO.

Tổ hợp vừa hoạt động hơn năm với lượng hóa chất tiêu thụ ban đầu chỉ 100.000 tấn mà khí trời quê lúa đã nồng nặc. Tự lần nguồn cơn gần tháng, đến 24/6/2016, bà con thấy một cống ngầm đen kịt. Có chứng cứ, họ mới dám báo. Chính quyền kết luận đấy là sự cố môi trường, là vỡ đường ống thải khiến nước tràn ra hai ngày.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, thừa nhận khó kiểm soát hóa chất độc trong nước thải dệt nhuộm. Chẳng công nghệ nào lọc được hết thứ chết chóc ấy.

Chuyện một số quan chức “đồng hành” với Formosa góp phần dẫn đến sự cố sinh thái nghiêm trọng ở bốn tỉnh miền Trung vẫn còn đó. Chuyện nương nhẹ để các dây chuyền sản xuất độc hại lọt vào VN cũng vẫn còn đó. Có thể người ta khôn, lợi dụng ta đang rất cần TPP để khiến dự án được duyệt. Nhưng để người ta lọt cửa ải và gây ra cái gọi là “sự cố môi trường” như vừa rồi, phải có người chịu trách nhiệm chứ không thể đổ cho TPP.

MỚI - NÓNG