Không giảm giá, vì đâu?

Giá xăng giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009. Ảnh: Vnexpress
Giá xăng giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009. Ảnh: Vnexpress
TP - Sau sự kiện “Sự trở lại của Iran”, Mỹ và EU dỡ bỏ lệnh trừng phạt nước này, khoảng nửa triệu thùng dầu từ Iran sẵn sàng đổ vào thị trường dầu thế giới đang trên đà rớt giá thê thảm.

Ngay lập tức thông tin này khiến giá dầu Brent phá đáy 28 USD/thùng vào sáng qua. Tại Việt Nam, giá xăng RON 92 cũng giảm sâu về mức 15.440 đồng/lít vào chiều qua, thấp nhất kể từ tháng 10/2009 tới nay.

Thế nhưng, bất chấp giá xăng liên tiếp giảm tới 8 lần trong năm qua và những ngày đầu năm mới 2016, giá cước vận tải vẫn chỉ “đủng đỉnh” giảm, thậm chí không ít doanh nghiệp “lặng thinh”, không giảm. Còn nhớ dịp đầu năm 2015, báo Tiền Phong đã có tuyến bài “giá xăng dầu giảm mạnh, giá cước vận tải lặng thinh” với hàng chục bài báo lên án mạnh mẽ các doanh nghiệp vận tải chây ỳ để “móc túi” khách hàng, đồng thời chất vấn và “đeo bám” trách nhiệm các cơ quan chức năng, các bộ ngành liên quan về vấn đề này. Hàng loạt phương tiện thông tin đại chúng khác cũng liên tục vào cuộc với từ khóa “cước vận tải chây ỳ”, “giảm nhỏ giọt”, “giảm đối phó”, “cơ quan quản lý bất lực”…

Ấy vậy mà, đến nay tình trạng nêu trên vẫn không có dấu hiệu được cải thiện. Một khi giá dầu đã liên tục giảm sâu và giảm kỷ lục như hiện nay, phần thua thiệt không chỉ còn thuộc về các khách hàng trực tiếp của ngành dịch vụ vận tải nước nhà, mà sẽ còn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế. Bởi ai cũng biết, giá thành tất cả các hàng hóa, dịch vụ đều bao hàm yếu tố giá cước vận tải. Lợi ích cục bộ của các doanh nghiệp vận tải sẽ gây hại tới cả nền kinh tế, vô hình trung khiến chúng ta không tận dụng tối đa được mặt tích cực của việc giá dầu giảm kỷ lục, trong khi mặt trái của nó đã tác động ngay và trực tiếp lên toàn ngành dầu khí, lên ngân sách nhà nước. Hàng hóa sản xuất và lưu thông tại Việt Nam sẽ phải “gánh” chi phí cước vận chuyển đắt một cách phi lý, làm giảm sức cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Dù Luật bảo vệ người tiêu dùng, Luật giá, Luật cạnh tranh… chúng ta có đủ, phải chăng chúng ta vẫn còn thiếu chế tài, thiếu luật để buộc họ phải giảm giá? Không lẽ các cơ quan quản lý nhà nước “bất lực” trước các doanh nghiệp vận tải  Liệu có khoảng trống trách nhiệm, có lợi ích nhóm nào ở đây?

Vì một thị trường lành mạnh và minh bạch, vì  lợi ích cả nền kinh tế, đã đến lúc rất cần sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của bộ ngành liên quan để buộc giá cước vận tải phải trở về giá trị đích thực của nó.

MỚI - NÓNG