Không tha rồi lại... tha

Không tha rồi lại... tha
TP - Liên quan đến sự cố “phạm quy” - làm cả hai phần đề tự chọn – của khoảng 1.300 thí sinh trên tổng số hơn 1 triệu thí sinh cả nước dự thi tốt nghiệp THPT vừa qua, mới vài ngày trước ông Nguyễn An Ninh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT tuyên bố kiên quyết không “tha”:

“Quy chế đã đặt ra thì bất cứ ai cũng phải tuân thủ… Cần phải giáo dục cho học sinh ý thức tuân thủ pháp luật, bắt đầu bằng việc thực hiện quy chế ở nhà trường. Vì vậy theo quy chế, các thí sinh này sẽ bị hủy bài thi môn đó” (trích trả lời phỏng vấn báo Tiền phong).

Trên báo Tuổi trẻ, ông Ninh cũng bày tỏ rõ quan điểm về vấn đề này: “Tại sao chúng ta không nhìn nhận vấn đề từ góc độ cần phải sống, làm việc theo pháp luật. Kỳ thi, đề thi có quy định rõ ràng, có luật rõ ràng và công khai, “anh” không tuân thủ lại yêu cầu được đối xử đặc biệt? Nếu ta không làm nghiêm theo quy định đã ban hành tức là vì một thiểu số vi phạm, làm sai quy định, ta đã “xé” luật được đa số tuân thủ nghiêm túc. Như thế cũng có công bằng, bình đẳng đối với những người nghiêm túc, làm theo đúng luật hay không?”.

Song thật bất ngờ, hôm qua Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long lại chính thức tuyên bố “tha bổng”: “Đây là năm đầu có nhiều môn thi tốt nghiệp theo hình thức trắc nghiệm cho nên mới xem xét quyết định chấm điểm phần chung cho các em”, và “Qua đây tôi cũng muốn gửi lời hoan nghênh tới hơn 1 triệu thí sinh còn lại đã thực hiện nghiêm túc quy chế làm bài thi...” (Trích trả lời phỏng vấn VietnamNet).

Quả là khó hiểu trước những tuyên bố trái chiều đột ngột này của Bộ GD-ĐT. Dẫu vẫn biết có sự cân nhắc “bên tình bên lý”, có những áp lực “xin tha” được đăng tải trên một vài tờ báo, song dư luận vẫn không khỏi băn khoăn về quyết định “xé” luật này. Xin được nhắc lại câu hỏi của chính vị Cục trưởng Cục Khảo thí: Làm như thế có công bằng, đúng luật hay không?

Thiết nghĩ, vấn đề ở đây không chỉ là “tha hay không tha” mà rộng hơn chính là tư duy về quản lý điều hành, về kỷ cương phép nước. Một Bộ có quyền tự đặt ra các quy định rồi ngay sau đó lại tự cho phép mình dỡ bỏ chăng? Thử hỏi nếu các bộ, ngành khác cũng vậy thì đất nước sẽ ra sao? Căn cứ vào đâu để có thể cho phép làm như vậy?

Rồi đây, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau lại có những thí sinh phạm quy như vậy Bộ GD-ĐT sẽ xử lý ra sao khi đã có tiền lệ “không tha, tha”?

Ý kiến bạn đọc

Cong Minh

Hãy nghiêm túc với chính mình

Kính thưa các nhà lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo, sau khi xem xong bài báo: Không tha rồi lại ...tha trên báo Tiền phong online ngày 16/6/2007 tôi thật sự thất vọng vì làm như vậy chính các vị đã vi phạm Quy chế mà các vị ban hành.

Đất nước ta bao nhiêu năm đã ở trong tình trạng hô thật lớn nhưng làm thì bé. Mặc dù năm nay tỷ lệ thi thấp nhưng toàn xã hội nói chung đồng tình ủng hộ vì một nền giáo dục phát triển có chất lượng, đưa đất nước phát triển theo quỹ đạo chung của thế giới.

Sự "xé rào" của các vị đã gây nên mối hoài nghi cho nhân dân, liệu cuộc vận động "hai không" có được thực hiện đến đầu đến cuối hay không hay lại dở dang không có hồi kết, đặc biệt đã có nhiều câu hỏi đặt ra sau khi Bộ tự xé rào: Liệu kỳ thi lần thứ hai có được thực hiện nghiêm túc không? hay là sẽ tha tất. Toàn xã hội đang dõi theo từng động thái của Bộ trong các bước tiếp theo.

Cá nhân tôi xin Bộ hãy dũng cảm làm đến cùng, những mất mát bước đầu sẽ mở ra cả một tương lai tươi sáng phía trước mặt: Đất nước Việt Nam có một nền giáo dục vững mạnh, chất lượng; con người Việt nam có học vấn được cả thế giới công nhận; tri thức Việt Nam sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới. Kính thư !

Nguyễn thị Việt Nga, cán bộ giảng dạy trường đại học Nông nghiệp I

Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2007,

Kính gửi ông Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT !

Sau khi đọc bài "Không tha rồi lại... tha" đăng trên Tiền phong online ngày 16/6/2007 về kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học vừa qua đối với những thí sinh làm cả 2 phần đề thi tự chọn, tôi thật sự buồn...

Bộ GD&ĐT là Bộ quan trọng nhất trong tất cả các Bộ, ban ngành khác vì Việt nam có hưng thịnh, có "sánh vai được với các cường quốc" hay không đều phụ thuộc phần lớn vào cách dạy dỗ của Bộ GD&ĐT, bởi vậy những nội quy, qui chế khi đã đưa ra cần rất thận trọng và phải được tôn trọng trước hết là từ nơi đã đưa ra nội quy, qui chế đó.

Nếu có gì không ổn sẽ rút kinh nghiệm cho kì thi sau, như thế mới công bằng - điều mà từ lâu nay chúng ta đang cố gắng bảo vệ. Để giữ nghiêm kỉ cương, dù rất buồn, rất tiếc, dù điều đó có thể rơi vào con, vào cháu mình, tôi đề nghị ông hãy bảo vệ qui chế mà Bộ đã đưa ra, lý do sẽ có rất nhiều, nhưng qui chế cũng đã được thông báo rất rõ cho các thí sinh, tôi mong ông hãy để cho các em có được bài học về việc phải tuân thủ theo những luật định đã đề ra. Xin gửi tới ông lời chào kính trọng.

Vu Hoa

Đừng nên xem nhẹ...

Không tha rồi lại... phải tha/ Thi cử như thế còn ra cái gì ?/ Một lần thi, hai lần thi/ Tha đi tha lại còn gì kỷ cương !/ Đừng nên xem nhẹ, coi thường/ Thương người đâu phải người thương đến mình/ Phải nên dũng cảm hy sinh/ Đau thương là để chữ "tình" sáng hơn !

Vương ĐÌnh Chung

Sau khi đọc bài báo "không tha rồi lại tha" trên báo Tienphongonline, tôi cảm thấy rất buồn và thực sự đau lòng khi thấy bộ đã tự mình phá bỏ quy chế của bộ đề ra. Phải chăng bộ muốn tạo ra phong trào "xé" luật cho mọi người dân sau khi Bộ đã thực sự tạo phong trào 2 không được mọi người dân đồng tình ủng hộ.

Xin hỏi sự ủng hộ của người dân là vì đâu? Có phải mọi người dân đều muốn đất nước có một nền giáo dục có kỷ cương? Họ sẽ phản ứng như thế nào? Khi Bộ được họ tin tưởng sẽ làm thay đổi nếp suy nghĩ, nếp tư duy về giáo dục đào tạo theo chiều hướng tích cực lại tự mình đồng tình với cái sai của thí sinh?

Trước đó trên các phương tiện thông tin đại chúng Bộ đã tuyên bố sẽ tổ chức kỳ thi nghiêm túc và kỷ cương dù kết quả thấp đến đâu cũng chấp nhận, sao bây giờ Bộ không nghiêm túc thực hiện quy chế đề ra mà vì 1/1000 thí sinh mà Bộ tự làm cho mọi người dân nghi ngờ về tính kỷ cương của Bộ.

MỚI - NÓNG