Kiểm soát quyền lực

Kiểm soát quyền lực
TP - Cuối cùng, Quốc hội đã làm được việc mà đáng ra phải làm từ 11 năm trước, bằng việc thông qua Nghị quyết, quy định cụ thể về lấy phiếu tín nhiệm chức danh do QH (ở chính quyền cấp tỉnh là HĐND) bầu hoặc phê chuẩn hằng năm, bắt đầu từ năm 2013.

> Lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng từ tháng 5 - 2013
> QH thông qua nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, Luật Thủ đô

Với việc thông qua nghị quyết này, QH đã thực sự có công cụ để có thể kiểm soát quyền lực của những người do QH bầu ra. Như thế mới hợp với nguyên lý “tôi bầu ra anh thì tôi cũng có quyền bãi miễn anh”. Đồng nghĩa, QH đã thực quyền hơn.

Nhìn lại 11 năm trước, vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đã được quy định trong lần sửa đổi Hiến pháp năm 2001 và sau đó thông qua Luật tổ chức QH, thể hiện cụ thể việc bỏ phiếu tín nhiệm: Ủy ban Thường vụ QH xem xét trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu QH hoặc kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH...

Ngay thời điểm đó, nhiều đại biểu QH đã lên tiếng cảnh báo, nếu quy định chung chung như vậy, trong khi lại cấm đại biểu QH vận động để có 20%, thì không khả thi. Tuy nhiên, có lẽ vì số đại biểu nhận ra vấn đề này chưa nhiều, nên luật vẫn được thông qua. Và đúng như tiên lượng, 11 năm qua, QH chưa phải dùng đến điều luật này.

Ngoài chức năng làm luật (lập pháp) và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, QH còn có ba chức năng “thẩm, giám, kiến” (thẩm tra, giám sát và kiến nghị).

Ở hai chức năng đầu, lâu nay QH có thể nói đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng còn ba chức năng sau, gần như ít phát huy tác dụng, dù QH cũng đã có Luật hoạt động giám sát. Bởi thế, khá nhiều vấn đề đã được QH giám sát, phát hiện và có kiến nghị nhưng chuyển biến chậm, thậm chí giai đoạn sau còn tệ hơn trước khi thực hiện giám sát (như việc giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước năm 2009); hay như việc giám sát lời hứa của các bộ trưởng khi trả lời chất vấn, nhiều vấn đề “hứa đi hứa lại” cũng chẳng sao...

Theo nghị quyết, lấy phiếu tín nhiệm là việc QH thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Ngoài ra, nghị quyết cũng mở đường, xây dựng văn hoá từ chức khi tạo cơ chế cho người có quá nửa số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Còn khi không tự giác xin từ chức (nếu 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì bị Ủy ban Thường vụ QH bỏ phiếu tín nhiệm với chức danh này.

Từ năm 2013, QH đã có công cụ để giám sát và kiểm soát quyền lực của những người được QH giao phó.

Vấn đề còn lại, chính là lá phiếu trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội. Còn trách nhiệm của người dân, chính là việc thể hiện trách nhiệm với lá phiếu khi bầu ra đại biểu của mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG