Kinh tế xanh lam

Kinh tế xanh lam
TP - Theo các tài liệu quốc tế, biển Đông Nam Á có mức độ đa dạng sinh học phong phú hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới với hàng ngàn loài thực vật thủy sinh và tôm cá.

Đây là nguồn protein quan trọng của Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung. Theo một nghiên cứu năm 2013, sản lượng cá chiếm 22% toàn châu Á,  khoảng 40% cá ngừ đại dương của thế giới sinh sản ở biển Đông. Nghề cá ở biển Đông là ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la. Đó còn là triển vọng về một khu vực được đánh giá có trữ lượng dầu mỏ và khí gas khổng lồ.

Nhưng biển Đông cũng đang chứng kiến nguy cơ đe dọa nguồn sống của hàng tỷ người bị đe dọa với những hành vi đánh bắt tận diệt như đánh mìn, dùng chất độc cyanide, sử dụng lưới vét bừa bãi… Nhiều loài hải sản đã biến mất, 70% dải san hô của biển Đông, môi trường quan trọng để các loài thủy sinh tồn tại, đang trong tình trạng tồi tệ.

Danh sách những loài đang gặp nguy hiểm ở biển Đông cứ dài mãi ra nhưng những hành vi  xâm phạm thô bạo vào hệ sinh thái dễ vỡ này vẫn tiếp tục. Rùa biển xanh là loài đang gặp nguy hiểm, đồi mồi đang đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn nhưng việc săn trộm các giống rùa quý hiếm này lấy thịt vẫn diễn ra và khá phổ biến. Hàng triệu con cá mập bị giết chỉ để lấy vây phục vụ thú ăn chơi của một số nước trong vùng, cá ngừ thường xuyên bị đánh bắt quá mức. Thêm vào đó, hoạt động cải tạo đất, biến đá ngầm thành “đảo” của chính quyền Trung Quốc đang làm xáo trộn đáy biển ở quy mô lớn. Các nhà khoa học cho rằng, hoạt động này đang gây ra những hủy hoại quy mô lớn đối với sự đa dạng sinh học của vùng và sẽ tàn phá ở mức không thể phục hồi sự cân bằng sinh thái toàn vùng. Mới đây, ngày 13/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cáo buộc các công trình xây dựng của Trung Quốc đã hủy hoại hơn 121 ha dải san hô và làm thiệt hại 100 triệu USD/năm đối với kinh tế của các nước trong vùng...

Là quốc gia ven biển Đông, có bờ biển dài, Việt Nam từ lâu đã xác định là một quốc gia biển, kinh tế biển có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Xét trong bối cảnh vai trò, vị trí của một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước cùng với những diễn biến chính trị, ngoại giao liên quan chủ quyền quốc gia, một bộ chủ quản kinh tế biển là vô cùng cần thiết. Xét tính chất quan trọng của biển Đông đối với các yêu cầu kinh tế - xã hội và chính trị của nước ta, bộ chủ quản ngoài chức năng quản lý, phát huy các tiềm năng, bảo vệ, nuôi dưỡng nguồn lợi từ biển đảo Tổ quốc, còn là cơ quan đầu tàu trong hợp tác quốc tế cùng phát triển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

MỚI - NÓNG