Lạm phát sẽ đi tới đâu?

Lạm phát sẽ đi tới đâu?
TP - Ngày 3/3, thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã ký Văn bản số 319/TTg - KTTH chỉ đạo một loạt các biện pháp đồng bộ để kiềm chế lạm phát năm 2008.

Giới quan sát xem đây là kim chỉ nam cho hoạt động điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong thời kỳ “thử lửa” của nền kinh tế Việt Nam.

Lạm phát tăng cao – 3,56%/tháng (tháng 2), nếu tính cơ học cho 12 tháng thì con số sẽ làm tất cả mọi người sửng sốt 36-40%/năm. Thị trường chứng khoán chao đảo, cũng không ai ngờ thị trường có thể sụt giảm tới mức có đề nghị nên tạm dừng giao dịch, ngưỡng tụt 500 điểm của VN-Index đã được báo động.

Hệ thống ngân hàng bộc lộ nhiều yếu kém và bất ổn. Lãi suất liên ngân hàng có lúc lên tới 45%, lãi suất huy động nếu không bị Ngân hàng Nhà nước chắn trần (12%) bây giờ có khi đã vượt lên 15-16%.

Điều đáng nói là tất cả diễn ra trong một thời gian ngắn, chỉ vài ba tháng trước và sau Tết và trên nền kinh tế đang đà phát triển rất cao (nhất nhì thế giới) tới 8,44% năm 2007. Hiện tượng này buộc chúng ta phải suy nghĩ? Thực ra đang xảy ra chuyện gì? Có phải đó là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng hay nhẹ hơn là suy thoái kinh tế?

Tâm lý chung của chúng ta sau mấy chục năm phát triển liên tục là rất ngại khi nghe những từ này, báo chí cũng né tránh ít dùng. Nhưng tôi nghĩ, bản chất sự vật sẽ không thay đổi dù ta có gọi nó bằng một cái tên khác.

Trước hết, tình hình hiện nay buộc chúng ta phải nhận thức nghiêm túc một số vấn đề. Thứ nhất, điều mà báo chí đã đề cập tới rất nhiều – chính là mô hình tăng trưởng của chúng ta chưa ổn. Hay nói cách khác, con số 8,44% chưa thực sự phản ánh chất lượng tăng trưởng.

Chúng ta đang tăng trưởng nhờ gia tăng nguồn lực đầu vào từ sức lao động, vốn đầu tư, vốn vay… chứ không phải nhờ sự gia tăng của hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả đầu tư, hiệu quả đổi mới công nghệ, hay gọi một từ chung là năng lực sản xuất tổng thể không tăng.

Chỉ số ICOR - chỉ số về mối quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng - của ta hiện nay là 4,4, tức ta phải bỏ ra 4,4 đơn vị đầu tư mới có được 1 đơn vị tăng trưởng, trong khi của Hàn Quốc là 3,0, Đài Loan là 2,7. So sánh tuy hơi khập khễnh, nhưng nền kinh tế của ta hiện nay rất dễ gây liên tưởng tới một “cậu bé hay ăn” nhưng lớn không tương xứng...

Thứ hai, báo cáo của Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Harvard mới đây về tương lai phát triển kinh tế Việt Nam đã làm một so sánh rất đáng lưu ý.

Trong mười triệu chứng tiêu biểu mà các tác giả chọn lựa để phân tích liệu kịch bản khủng hoảng kinh tế Đông Á năm 1997 có khả năng lặp lại với chúng ta hôm nay hay không? – thì kinh tế Việt Nam hiện đã mắc phải 8/10 triệu chứng, từ: thâm hụt tài khoản vãng lai, bong bóng tài sản, vay ngoại tệ không phòng vệ, hệ số ICOR cao, đầu tư công kém hiệu quả, kiểm soát bất cập đối với ngân hàng đến nợ xấu cao và vay nợ chéo trong tập đoàn. Chỉ có hai triệu chứng chúng ta chưa mắc phải là: nợ nước ngoài ngắn hạn và tự do hóa tài khoản vốn.

Thứ ba, bây giờ giả sử tất cả những suy diễn của chúng tôi trên đây đều sai, quả thực nền kinh tế Việt Nam hiện đang rất ổn, thì chỉ còn một lý do duy nhất giải thích cho những xáo trộn vừa qua – đó chính là năng lực dự báo và thực thi chính sách của chúng ta có vấn đề.

Chúng ta thường nói cán bộ là “gốc” của mọi vấn đề. Vì sao? Vì chúng ta thiếu nhân lực. Nhân lực đang “chảy máu” từ khu vực công sang khu vực tư, từ trong nước ra nước ngoài. Bài toán này ta bàn mãi rồi, nhưng vẫn chưa có lối thoát. Chúng tôi nghĩ chỉ còn một cách duy nhất có thể thay đổi được tình thế là nhanh chóng thay đổi tư duy dùng người.

Chừng nào chúng ta vẫn dùng người theo cơ chế, tuyển người theo hành chính, đào tạo người công chức vâng lời, coi trọng kỹ năng bắt chước hơn năng lực sáng tạo thì chừng đó chúng ta vẫn không thể ra khỏi vòng luẩn quẩn “thiếu người tài”.

Qua các giải pháp vừa được công bố, có thể thấy Chính phủ đang ý thức sâu sắc về những dấu hiệu bất ổn của tình hình kinh tế quốc gia hiện nay. Nhóm giải pháp đã nêu bật các hướng hành động cụ thể nhằm ngăn chặn nguy cơ suy thoái.

Đó là nâng cao hiệu quả đầu tư công, kiểm soát chi ngân sách; thắt chặt nhưng khơi thông dòng tiền tệ, không để nền kinh tế thiếu vốn; chống đầu cơ bất động sản; tăng cường kiểm soát lãi suất, bơm tiền nâng khả năng thanh khoản cho các ngân hàng, hạn chế sự hình thành tháp tài chính chổng ngược; ra sức khôi phục thị trường chứng khoán…

Vấn đề duy nhất còn lại là chúng ta sẽ thực hiện như thế nào? Đơn cử như việc hút bớt tiền lưu thông: chủ trương đúng nhưng quá trình thực hiện vừa qua đã đẩy các ngân hàng thương mại vào “bước đường cùng”, gây hỗn loạn trên thị trường tín dụng liên ngân hàng và huy động vốn, ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường chứng khoán.

Và người chịu trận cuối cùng không ai khác là người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Hay như chuyện “thả nổi” giá xăng, tăng giá dầu vào đúng thời kỳ nhạy cảm.

Theo phán đoán của chúng tôi, liên Bộ Công Thương – Tài chính không thể không biết thời điểm này chẳng phù hợp tí nào, nhưng áp lực bội chi ngân sách nặng hơn nên vẫn phải “đành lòng”.

Rất may, trong Văn bản chỉ đạo của Thủ tướng lần này đã nêu rất rõ thắt chặt chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, hạn chế bội chi ngân sách, đi đôi với triển khai thực hiện tốt chính sách tiền lương…, chứ nếu không thì thông thường các khoản chi ngân sách cho giáo dục, y tế và các chi phí xã hội sẽ bị cắt giảm đầu tiên – đơn giản là vì các khoản này dễ cắt giảm nhất (tương tự như thả nổi giá xăng vậy).

Chủ trương đúng chưa đủ, hiệu quả thực thi mới là điều quan trọng. Chúng ta rất hy vọng với những chỉ dẫn cụ thể như hiện nay, Chính phủ sẽ sớm bình ổn tình hình, đưa kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển.

TS Nguyễn Văn Minh
ĐH Ngoại thương Hà Nội

MỚI - NÓNG